Phát hiện lượng lớn nước dưới bề mặt sao Hỏa

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos báo cáo phát hiện nước ở trung tâm hẻm núi Valles Maineris trên hành tinh đỏ.

Mô phỏng tàu ExoMars Trace Gas Orbiter hoạt động trên quỹ đạo sao Hỏa. Ảnh: ESA

Trong một thông cáo vào tuần trước, ESA nói rằng nước được phát hiện bằng thiết bị dò hạt neutron của tàu quỹ đạo ExoMars Trace Gas Orbiter (TGO), công cụ có khả năng lập bản đồ hydro – một thước đo hàm lượng nước – nằm sâu vài mét bên dưới bề mặt sao Hỏa.

Nước từ lâu đã được chứng minh là có tồn tại trên hành tinh đỏ, nhưng hầu hết nằm ở hai vùng cực lạnh dưới dạng băng. Băng nước không được tìm thấy ở bề mặt gần xích đạo, vì nhiệt độ tại đây không đủ lạnh để băng nước duy trì.

“FREND tiết lộ một khu vực có lượng hydro lớn bất thường trong hệ thống hẻm núi Valles Marineris khổng lồ (nằm dọc theo đường xích đạo sao Hỏa ở phía đông cao nguyên núi lửa Tharsi). Nếu hydro mà chúng ta thấy được liên kết thành các phân tử nước, thì có tới 40% vật chất gần bề mặt trong khu vực này là nước”, Igor Mitrofanov, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Không gian của Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Hệ thống hẻm núi Valles Marineri trên sao Hỏa. Ảnh: ESA
Hệ thống hẻm núi Valles Marineri trên sao Hỏa. Ảnh: ESA

Khu vực giàu nước mà Mitrofanov nhắc đến có kích thước lớn bằng Hà Lan và nằm chồng lên các thung lũng sâu của Candor Chaos, một trong những hẻm núi lớn nhất của Valles Marineris.

Valles Marineris là hệ thống hẻm núi lớn nhất được biết đến trong hệ Mặt Trời khi kéo dài hơn 4.000 km, trải rộng 200 km và sâu tới 7 km. Các nhà khoa học cho rằng nó được hình thành sự xói mòn của dung nham chảy từ sườn của ngọn núi lửa hình khiên Pavonis Mons.

“Chúng tôi nhận thấy phần trung tâm của Valles Marineris chứa đầy nước, nhiều hơn mong đợi. Điều này rất giống các vùng đất đóng băng vĩnh cửu của Trái Đất, nơi băng nước tồn tại vĩnh viễn dưới lớp đất khô”, đồng tác giả Alexey Malakhov từ Viện Nghiên cứu Không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết.

Nước này có thể ở dạng đá, hoặc nước liên kết hóa học với các khoáng chất khác trong đất. Tuy nhiên, các quan sát trước đây tiết lộ khoáng chất được tìm thấy ở Valles Marineris thường chỉ chứa một vài phần trăm nước, ít hơn nhiều so với bằng chứng của quan sát mới. “Nhìn chung, chúng tôi nghĩ rằng nước trong khu vực tồn tại dưới dạng băng”, Alexey nói thêm.

Hình ảnh phối cảnh hẻm núi Candor Chaos. Ảnh: ESA
Hình ảnh phối cảnh hẻm núi Candor Chaos. Ảnh: ESA

Băng nước thường bốc hơi ở gần xích đạo của sao Hỏa do điều kiện nhiệt độ và áp suất. Nước liên kết hóa học cũng vậy: phải có sự liên kết phù hợp giữa nhiệt độ, áp suất và hydrat hóa để giữ cho các khoáng chất không bị mất nước. Điều này cho thấy rằng một số điều kiện hỗn hợp đặc biệt và chưa rõ ràng phải có mặt ở Valles Marineris để bảo tồn nước, hoặc có một nguồn nào nó đang bổ sung nước cho khu vực.

“Khám phá mới là một bước tiến đáng kinh ngạc, nhưng chúng tôi cần quan sát thêm để biết chắc chắn loại nước mà TGO tìm thấy là gì”, đồng tác giả Håkan Svedhem từ ESA nhấn mạnh. “Bất kể kết quả như thế nào, phát hiện mới đã chứng tỏ khả năng và giá trị của tàu quỹ đạo TGO trong việc nghiên cứu cấu trúc bên dưới bề mặt sao Hỏa”.

(theo vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *