Ngành hàng không quý 1 tiếp tục u ám nhưng các công ty logistics hàng không vẫn sống khỏe, thậm chí lợi nhuận còn tăng mạnh

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hóa hàng không không chịu tác động nặng như dịch vụ hành khách, tại SCS lợi nhuận còn tăng 14% so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành hàng không quý 1/2021 tiếp tục trong tình trạng không mấy sáng sủa. Ảnh hưởng của đại dịch tạo ra hoàn cảnh bất định, không thể nói trước bất cứ điều gì. Hàng không từng có thời điểm chứng kiện sự hồi phục mạnh mẽ hồi tháng 7 năm ngoái nhờ lực cầu nội địa, nhưng làn sóng COVID-19 trở lại khiến xu hướng đứt gãy.

Ngay lúc này, Việt Nam đang hành động quyết liệt để ngăn chặn đà bùng phát được đánh giá là phức tạp nhất kể từ làn sóng đầu tiên, doanh nghiệp hàng không vì thế mà tiếp tục phải lo lắng. Trong quý đầu năm, một đợt dịch khác ập đến ngay trước thời điểm diễn ra Tết Nguyên Đán.

Có thể thấy tác động rõ rệt nhất khi nhìn vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines ghi nhận mức lỗ trước thuế kỷ lục hơn 4.900 tỷ đồng. Doanh thu đạt 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Hai tháng đầu năm ngoái, thị trường hàng không chưa bị ảnh hưởng vì tác động của của đại dịch, bao gồm cả việc vẫn khai thác đường bay quốc tế.

Vietnam Airlines hiện đang lâm vào tình trạng đáng báo động, lỗ lũy kế tính đến 31/3/2021 ghi nhận âm 14.219 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ – tức đứng trước nguy cơ hủy niêm yết nếu không sớm được khắc phục. Hãng hàng không quốc gia đang có kế hoạch tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng ngay trong quý 2 này.

Ngành hàng không quý 1 tiếp tục u ám, nhưng vẫn có ngoại lệ, thậm chí lợi nhuận còn tăng mạnh - Ảnh 1.

Đối với CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) doanh thu thuần đạt gần 4.050 tỷ đồng, giảm 44%. Nhưng Vietjet Air có lãi trước thuế 115 tỷ đồng nhờ doanh thu hoạt động tài chính gần 1.400 tỷ đồng (không được thuyết minh rõ).

Lượng khách bay giảm mạnh cũng khiến một ông lớn khác “nếm mùi”. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chứng kiến doanh thu giảm 48% so với cùng kỳ. Doanh thu cả dịch vụ hàng không và phi hàng không giảm từ 40 – 50%.

Nhưng hoạt động tài chính cũng là cứu cánh cho ACV, đem về 902 tỷ đồng doanh thu, đáng chú ý là khoản lãi chênh lệch tỷ giá 423 tỷ đồng, năm ngoái không phát sinh. Lợi nhuận trước thuế của ACV đạt 1.067 tỷ đồng, giảm 45%.

Ngành hàng không quý 1 tiếp tục u ám, nhưng vẫn có ngoại lệ, thậm chí lợi nhuận còn tăng mạnh - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp làm dịch vụ hàng không cũng không tránh khỏi tình cảnh tương tự, lợi nhuận trong quý đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ, thậm chí đang lãi thành lỗ.

CTCP Cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) lợi nhuận giảm 55% còn 42 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn ASG (ASG) lợi nhuận giảm 35% còn 17 tỷ đồng; CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) lợi nhuận giảm 27% còn 13 tỷ đồng.

Nhiều công ty dịch vụ báo lỗ, có thể kể đến như CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) lỗ 32 tỷ đồng; CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) lỗ 19 tỷ đồng; hay CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) lỗ 14 tỷ đồng.

Tại CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT), lợi nhuận đạt 64 tỷ đồng, giảm 2%, trong nhóm ít bị ảnh hưởng nhất ngành hàng không. Hoạt động chính của công ty này là kinh doanh dịch vụ hàng hóa bằng đường hàng không, do đó không chịu tác động nặng giống như vận tải hành khách. Năm 2020, NCT ghi nhận lợi nhuận trước thuế 257 tỷ đồng, chỉ giảm 7%.

Đáng chú ý, trường hợp của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (SCS) còn ghi nhận lợi nhuận quý 1 tăng 14%, đạt 147 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của SCS tương tự như NCT. Năm ngoái công ty này lãi trước thuế 499 tỷ đồng, chỉ giảm 7%.

(theo cafef)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *