Mặt Trăng có thể chứa 270 nghìn tỷ kg nước

Những hạt thủy tinh tí hon trong đất Mặt Trăng chứa lượng nước lớn, có thể trở thành nguồn tài nguyên tiện lợi để các phi hành gia khai thác.

Các hạt thủy tinh tí  hon trên Mặt Trăng có thể chứa lượng lớn nước. Ảnh: Sen Hu
Các hạt thủy tinh tí hon trên Mặt Trăng có thể chứa lượng lớn nước. Ảnh: Sen Hu

Bề mặt Mặt Trăng rải đầy những hạt thủy tinh cực nhỏ. Chúng hình thành qua hàng tỷ năm, khi đất bắn ra từ vụ va chạm với tiểu hành tinh nguội đi và rơi trở lại xuống bề mặt Mặt Trăng. Quá trình phân tích các mẫu Mặt Trăng mà tàu Hằng Nga 5 của Trung Quốc mang về Trái Đất hé lộ, những hạt tí hon này chứa một lượng nước đáng kể. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Geoscience hôm 27/3.

Giới khoa học đã nhiều lần tìm thấy bằng chứng của nước trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, nguồn gốc và đặc điểm của nước Măt Trăng vẫn còn nhiều bí ẩn. Những hạt thủy tinh được tìm thấy trong 1.731 gram đất đá Mặt Trăng mà tàu Hằng Nga 5 mang về hồi tháng 12/2020 có thể cung cấp mảnh ghép còn thiếu trong câu đố này.

Các nhà khoa học cho rằng hàng tỷ năm trước, Mặt Trăng có thể hoàn toàn khô ráo. Tuy nhiên, sau thời gian dài chịu tác động từ gió Mặt Trời – luồng hạt mang điện phóng ra từ Mặt Trời – nước bắt đầu hình thành trong các lớp bề mặt của Mặt Trăng. Những phản ứng này tiếp diễn đến ngày nay, khi các nguyên tử hydro trong gió Mặt Trời liên kết với các phân tử oxy trong đất Mặt Trăng và tạo thành phân tử nước. Đây là đầu vào cho chu kỳ nước của Mặt Trăng.

Ngày nay, các chuyên gia biết rằng một phần nước này bay hơi khi các lớp trên cùng của Mặt Trăng bị ánh sáng Mặt Trời nung nóng. Sau đó, trong đêm Mặt Trăng, bề mặt được bù nước. Tuy nhiên, nguồn bù nước này không thể là gió Mặt Trời vì quá trình này diễn ra quá nhanh.

Nghiên cứu mới chỉ ra, các hạt thủy tinh có thể đóng vai trò là một hồ chứa ẩn, từ đó nước dễ dàng được giải phóng vào lớp đất bề mặt khô cằn trong đêm Mặt Trăng tối và lạnh. Cũng theo nghiên cứu mới, lượng nước trong những hạt này lớn hơn so với suy nghĩ trước đây.

Nhóm chuyên gia ước tính, có tới 270 nghìn tỷ kg nước có thể mắc kẹt trong 12 m trên cùng của bề mặt Mặt Trăng. Thành phần hóa học của nước trong các hạt cũng đồng nhất với loại sinh ra từ sự tương tác với gió Mặt Trời do chứa các đồng vị hydro hiện diện trong Mặt Trời.

“Phát hiện mới chỉ ra, hạt thủy tinh từ các vụ va chạm trên bề mặt Mặt Trăng và những thiên thể thiếu không khí khác trong hệ Mặt Trời có khả năng lưu trữ loại nước bắt nguồn từ gió Mặt Trời và giải phóng nó vào không gian”, Hu Sen, nhà khoa học tại Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đồng tác giả của nghiên cứu mới, cho biết.

Nhóm chuyên gia cho rằng hạt thủy tinh có thể là nguồn tài nguyên tiện lợi để các phi hành gia khai thác nước trong tương lai, thậm chí giúp sản xuất nhiên liệu tên lửa trên bề mặt Mặt Trăng, phục vụ cho các nhiệm vụ tới những nơi xa hơn trong vũ trụ.

(theo vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *