Bà Patricia Tribe, nguyên Giám đốc đào tạo tại Trung tâm vũ trụ Houston cho biết, ý tưởng của dự án là kết hợp việc phát triển kỹ năng đọc-viết và học các môn khoa học theo cách dễ tiếp cận cho trẻ em. Không chỉ được xem video ghi lại những câu chuyện do phi hành gia kể lại trong trạng thái lơ lửng không trọng lực, các em còn được nhìn ngắm không gian bên trong ISS.

“Kể chuyện từ vũ trụ” khuyến khích trẻ em đọc sách
Một phi hành gia đang kể chuyện từ ISS. Ảnh: huffingtonpost.com.

Các thành viên của dự án bao gồm phi hành gia, nhà khoa học và chuyên gia đào tạo. Họ lựa chọn nội dung cho dự án theo các tiêu chí khắt khe, như: Các tác phẩm phải súc tích để có thể đọc trong thời gian 15 phút, có nhiều khái niệm liên quan đến các môn khoa học-công nghệ-kỹ thuật-toán học (STEM) cho trẻ em và quan trọng nhất là độ chính xác của thông tin. NASA chịu trách nhiệm kiểm duyệt các tác phẩm được lựa chọn trước khi chuyển chúng lên ISS.

Bà P.Tribe cho biết, hiện nay dự án đang hướng tới sự đa dạng về người đọc và ngôn ngữ kể chuyện. Ví dụ, câu chuyện “Max bay lên trạm vũ trụ” có thêm phiên bản tiếng Nhật, do phi hành gia Nhật Bản Koichi Wakata đọc. Dự kiến, các thành viên của dự án trong thời gian tới sẽ chuẩn bị hình ảnh và video về các thí nghiệm khoa học dành cho trẻ em được thực hiện trong không gian.

(theo QDND)