GIỚI THIỆU SÁCH: “TÌNH BÁO ĐIỆN TỬ KHÔNG GIAN”

Tình báo điện tử không gian” được viết bởi tác giả Phạm Bình – bút danh viết báo của tác giả, là quyển sách mà gia đình tôi được tặng trong dịp năm mới từ chính tác giả. Đối với một người không có cơ hội tiếp cận nhiều đến lĩnh vực này như tôi thì đây như là một phương trời mới của kiến thức; điều ấy đã làm trỗi dậy sự tò mò và thích thú trong tôi để đọc và tìm hiểu về tác phẩm. Quyển sách này đã giúp trả lời được rất nhiều câu hỏi mở trong tôi từ bấy lâu nay về ngành Tình báo, Khoa học điện tử không gian và còn được đọc thêm về những câu chuyện về ngành Tình báo của Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau. Nhân dịp VASA phát động cuộc thi viết về Vũ trụ, vì nội dung sách cũng liên quan đến Khoa học không gian; dưới sự cho phép của tác giả – cũng là Hội viên của Hội hàng không Vũ trụ Việt Nam, tôi muốn giới thiệu tới độc giả về quyển sách này.

Được cơ hội trò chuyện với tác giả về quyển sách này, tôi đã được hiểu thêm về nội dung cũng như xuất xứ của quyển sách. Quyển sách được tác giả xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 – 19/08/2015) và được tái bản lần thứ hai có bổ sung thêm nội dung nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập lực lượng Công an nhân dân (2020). Tác giả đã viết cuốn sách để phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy trong các Học viện nhà trường lực lượng vũ trang nên không phát hành rộng rãi; tôi được biết cuốn sách đã được kênh truyền hình An Ninh TV giới thiệu trong tác phẩm mới Công an nhân dân (2015) nhưng nội dung hết sức khái quát và tóm tắt. Nhân dịp này được phép của tác giả tôi xin được giới thiệu tổng quan hơn về tác phẩm chuyên biệt này. Tôi luôn tôn trọng ý kiến của tác giả chỉ tập trung giới thiệu phần nội dung các chuyên mục đã được phép giải mật tài liệu.

Quyển sách thuộc thể loại sách chuyên khảo do nhà xuất bản Công an nhân dân in xuất bản và tái bản lần hai. Trên bìa sách là ảnh máy bay trinh sát điện tử không người lái tầm trung UAV-S2 do chính tác giả chế tạo ra nó. Ảnh chụp máy bay ngoài khơi vùng biển Vạn Ninh Khánh Hoà ngày 18/05/2015. Tôi được biết đây là mẫu máy bay ông cưng yêu nhất trong sáu mẫu máy đã được ông và đồng nghiệp nghiên cứu và chế tạo thành công nên ông đã đặt tên cho nó là “Chim bói cá”. Trên góc nhìn của một người không làm trong lĩnh vực Khoa học không gian cũng như Vũ trụ nhưng rất đam mê tìm hiểu về lĩnh vực này, tôi mong muốn thông qua bài viết của mình giới thiệu và truyền cảm hứng đến độc giả của VASA nội dung tuyệt vời của cuốn sách chuyên khảo.

Để giới thiệu cùng bạn đọc dưới đây tôi xin đăng nguyên văn lời tựa của Giáo sư viện sỹ Châu Văn Minh Uỷ viên Trung ương Đảng Chủ tịch Viên Hàn lâm và Khoa học và Công nghệ Việt Nam nơi tác giả đã công tác:

Câu đầu trong Lời mở đầu tác giả viết “Tình báo, không biết ai là người đầu tiên biên dịch ra tiếng Việt từ này để rồi nó lưu lạc đến làng tôi?”; câu hỏi đặt ra ngay từ những lời đâu tiên của tác giả làm cho người đọc cảm thấy sự gần gũi không chỉ bởi đây là câu hỏi trong lòng của nhiều người quan tâm đến lĩnh vực tình báo mà còn ở cách dùng từ ‘làng tôi’ – tưởng chừng “quê mùa” nhưng lại vô cùng vĩ đại, ẩn chứa bao điều thân thương, giản dị và mộc mạc. Đối với tôi khi đọc được từ ‘làng quê’ trong câu trên, sự thân thương và ấm áp lại ùa về trong tôi vì dù sinh ra và lớn lên tại phố phường, nhưng tôi may mắn từ nhỏ đã được trải nghiệm và cảm nhận những điều ấm áp của quê nhà khi về thăm nơi đây mỗi dịp Tết đến. Còn về phía tác giả, làng quê mà tác giả nói đến ở đây là Vũ Thư Thái Bình nơi tác giả lớn lên, đây cũng chính là quê hương của Nhà Tình báo huyền thoại Vũ Ngọc Nhạ; phải chăng chính tấm gương chói lọi của Nhà Tình báo Vũ Ngọc Nhạ đã chắp cánh ước mơ cho tác giả.

Ngành tình báo không gian Việt Nam khởi nguồn từ đâu? Phần mở đầu của cuốn sách đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Cột mốc quan trọng của Ngành tình báo không gian Việt Nam đã được đánh dấu tại chiến khu Việt Bắc năm 1945, sau chiến dịch ‘Việt Minh’ đứng về phía đồng minh hỗ trợ tìm kiếm phi công Mỹ mất tích trong những trận kháng chiến với quân đội Nhật tại Đông Dương tháng cuối cùng của chiến tranh Thế giới thứ hai; tổ Tình báo OSS Mỹ tặng Bác Hồ bộ thiết bị thu tin tình báo điện đài và mở lớp huấn luyện cùng với sự sáng tạo của các “cơ công” biến những chiếc radio thời ấy thành thiết bị thu tin vô tuyến điện thô sơ khác đã tạo nên biệt đội WATH tiền thân của cả một Lực lượng tình báo không gian hùng hậu của Việt Nam ngày nay.

Bộ thiết bị thu tin tình báo điện đài do tổ Tình báo OSS Mỹ tặng Bác Hồ năm 1945

 Với tổng 567 trang, cuốn sách đã được chia ra thành 5 chương; để giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về tác phẩm “Tinh báo điện tử không gian”, sau đây tôi sẽ giới thiệu sơ về phần nội dung chính của từng chương dưới đây:

Chương I – Tình báo điện tử truyền thống: tác giả viết về tổng quan và khái niệm về ngành tình báo, cũng như giới thiệu các giải pháp kỹ thuật truyền thống về điện tử để nghe lén trực tiếp, gián tiếp, các hệ thống thu ghi nghe trộm, quan sát, sao chụp cùng với hệ thống mã và giải mãi, v.v; và các chiêu thuật “ăn miếng, trả miếng” của các cơ quan tình báo nhà nghề lớn như KGB, CIA, MI6, MOSAT.

Chương II – Tình báo vô tuyến điện tử: với các nội dung về Tình báo vô tuyến điện tử SIGINT, các phương thức tình báo điện tử ELINT, các phương thức tình báo vô tuyến COMINT, ứng dụng tình báo vô tuyến điện tử SIGINT trong các cuộc chiến, xu hướng tình báo vô tuyến điện tử SIGINT trong tương lai.

Sống trong thời bình, nhưng tôi tin chắc rằng không chỉ mỗi tôi mà các bạn độc giả cũng đã có những hình dung của bản thân về Chiến tranh Việt Nam qua những câu chuyện thời chiến được đọc trong từng trang sách sử những ngày còn đi học và được nghe kể từ bố, từ ông, và từ báo đài. Trong chương II – phần “Chiến tranh Việt Nam”, tác giả đã khái quát các trận đánh điển hình của Lực lượng kỹ thuật tình báo của Quân đội nhân dân trong các chiến dịch vô hiệu hoá “cây nhiệt đới” của Quân đội viễn chinh Mỹ trên chiến trường hay các trận phá án các vụ án biệt kích sự dụng điện đài vô tuyến điện, điển hình như vụ án “Bụi xương rồng cầu Hang”; vụ án CM12…cũng như hàng trăm vụ án gián điệp biệt kích khác của Lực lượng tình báo điện tử Công an nhân dân.

Đối với tôi những trang viết này đã để lại nhiều ấn tượng và xúc động nhất; vì đã khai sáng cho tôi một mảnh ghép mới trong bức tranh của tôi về cuộc chiến tranh Việt Nam; với vô vàn sự hi sinh thầm lặng cũng như tài trí kiên hùng của các Lực lượng tình báo quân sự, tình báo kỹ thuật, tình báo điện tử của Việt Nam. Thời ấy, phải đọ sức về Khoa học Công nghệ với CIA, DIA, khi mà đất nước ta thuở ấy còn rất nghèo nếu xét về công nghệ điện tử có lẽ ta còn thua xa CIA đến cả ngàn lần nhưng chúng ta đã chiến thắng họ ngoạn mục bằng ý chí kiên cường bằng cả ý chí một dân tộc và sự tài trí của tri thức Việt Nam.

Chương III – Tình báo mạng: với các chuyên mục về Internet, quốc gia không biên giới, mạng xã hội, mối nguy và góc nhìn quản lý, quản lý thông tin thời đại số, không gian mạng, chiến trường tương lai, tình báo mạng, tương lai của tình báo mạng. Đây là chương viết đặc biệt sâu về chuyên môn cả Khoa học công nghệ và nghiệp vụ thể hiện đúng chuyên ngành mà tác giả đã trải nghiệm và tâm huyết trong cuộc đời công tác của mình.

Chương IV – Tình báo điện tử không gian: là chương chính của quyển sác và đã được tác giả lấy làm tiêu đề; với các nội dung về tình báo không gian thời đại thế chiến, tình báo điện tử không gian thời chiến tranh lạnh, tình báo điện tử không gian và chiến tranh Việt Nam, tình báo điện tử không gian hậu chiến tranh lạnh, xu thế tình báo không gian thế kỷ XXI.

Trong chương này tác giả lại một lần nữa đem lại những câu chuyện ấn tượng của Lực lượng tình báo không gian của nước ta trong cuộc chiến tranh Việt Nam qua mục tình báo điện tử không gian và chiến tranh Việt Nam. Tác giả đã khái quát về cơ quan tình báo Mỹ đã áp đặt ý chí của mình trong cuộc chiến tranh mang tính “Đối đầu ý thức hệ”; khẳng định của giới học thuật quân sự cũng được tác giả nhắc đến khi nhận định cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam là “cuộc chiến tranh mang tính thời đại”. Điều này được thể hiện qua các dẫn chứng hùng hồn trong các tiêu mục nhỏ:

  • Tình báo “địa không gian” Mỹ.
  • Sự kiện vịnh Bắc bộ – cuộc đọ sức không gian nói về các trận đánh xuất sắc của không quân nhân dân Việt Nam với không lực Hoa Kỳ
  • UAV Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
  • Cuộc đối đầu lịch sử – nói về chiến dịch thắng Mỹ trong cuộc đối đầu với Pháo đài bay B52 trên bầu trời Hà Nội.
  • Sức mạnh chiến tranh thông tin Việt Nam.
  • 127 triệu bức ảnh tình báo – nói về thất bại của Mỹ trong cuộc tập kích giải cứu phi công Mỹ tại nhà tù Sơn Tây, Hà Nội trước khả năng thu thập thông tin tình báo.
  • Chiếc cặp da bò – Nói về kỹ thuật của Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân Việt Nam.

Tôi muốn viết riêng đoạn cho mục cuối “Hội trường giản dị” vì trong một dịp được trò chuyện cùng tác giả, tôi đã rất xúc động khi được nghe về nơi đây nơi mà dù nghèo khó nhưng những người anh hùng ấy vẫn tận tuỵ “bám máy” suốt ngày đêm không ngừng ngơi nghỉ vì dòng chữ in đậm nét trước cổng vào trung tâm kỹ thuật ở nơi này “Vì sự bình yên của Tổ quốc”. Tôi xin phép được chia sẻ đoạn tác giả viết về hội trường để bạn đọc phần nào cảm nhận được: “Có một hội trường rất giản dị, đứng chơ vơ giữa cánh đồng mía bạt ngàn cách Hà Nội khoảng 20km, nhà cấp bốn, mái lợp tôn hơn 40 năm nay vẫn thế nhưng chính nơi này đã đón nhiều thế hệ lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhà nước đến trao tặng những tấm huân chương những danh hiệu cao quý nhất cho một đơn vị ‘sống trong im lặng’…tại hồi trường này đã diễn ra lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ 6 cho đơn vị làm công tác Tình báo điện đài”.

Chương V –  Mật mã trong hoạt động tình báo: đây cũng là chương cuối trong cuốn sách này, vì đây có lẽ là vấn đề nhạy cảm và cũng có thể là bí mật nên tác giả không viết gì nhiều về những người làm về mật mã và thám mã của Việt Nam. Ngoài mục bài: Mật mã trong chiến tranh Việt Nam, nói về khả năng thám mã trong thông tin liên lạc vô tuyến điện của người Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ; chương này còn làm cho tôi thêm khâm phục trí tuệ bộ óc vĩ đại của những con người làm trong lĩnh vực Tình báo điện tử không gian. Nhưng khi đọc mục cuối với tiêu đề “Lời xin lỗi muộn mằn”, tôi cũng đã rất trăn trở vì dù là một quốc gia văn minh nhân văn như Vương quốc Anh nhưng ở thời điểm ấy với lối suy nghĩ còn chưa cởi mở nên đã gây nên một bi kịch cho Nhà Khoa học mật mã, Nhà bác học Alan Turing – người đã có công cứu sống Châu Âu và Thế giới sớm thoát khỏi hoạ phát xít. Cuộc đời ông và sự nghiệp lừng lẫy của một Nhà Tình báo Khoa học người Anh lại kết thúc bằng một “trái táo tẩm thuốc độc” quả thật rất đáng tiếc!

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến tác giả Phạm Bình, người đã viết lên những trang sách ý nghĩa này và cũng là người đã mang tôi lại gần hơn với tác phẩm. Tôi hi vọng với những tóm tắt về nội dung cuốn sách “Tình báo điện tử không gian” trên đây sẽ mang lại niềm cảm hứng cho quý độc giả. Đọc cuốn sách này tôi tin sẽ mang lại cho quý độc giả thêm cái nhìn về ngành Tình báo điện tử Việt Nam qua các thời kỳ và Lực lượng tình báo của nước ta. Qua đó càng làm tăng thêm tinh thần yêu tổ quốc, trân trọng và tự hào về thế hệ cha anh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc vĩ đại trong đó có các Lực lượng tình báo anh hùng, bao nhiêu những con người hy sinh cuộc sống và hạnh phúc của riêng mình cho sự “bình yên của Tổ quốc”.

(Tác giả: Hà Phương)

Bài tham gia cuộc thi viết về Vũ trụ của VASA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *