ƯỚC MƠ TUỔI THƠ

Lời của tác giả

Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê (Nick Vujicic)

Các cháu Thiếu niên và Nhi đồng thân mến!

Chắc hẳn khi nhắc đến ước mơ, ai trong chúng ta cũng đều có riêng cho mình những điều ấp ủ trong lòng từ thuở bé. Ước mơ là điều mà không ai cho tặng, không ai có quyền ngăn cản cũng như lấy đi của ta! Vì thế ước mơ là thứ cao quý trong cuộc đời này, ai trong chúng ta cũng có quyền được mơ ước và theo đuổi đam mê của chính minh.

Nên các cháu hãy tin vào bản thân mình, hãy thật thoả sức mà ước mơ và đấu tranh cho điều ấy các cháu nhé! Ước mơ sẽ dẫn dắt các cháu đến thành công! Nhất thiết là như thế.

Để chắp cánh ước mơ cho các cháu, Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam (VASA) sẽ mở chuyên mục “Kể chuyện Vũ trụ” để chia sẻ, phổ biến kiến thức và cùng các cháu khám phá những bí ẩn của Vũ trụ, các câu chuyện về Anh hùng phi công Vũ trụ, các vì sao, sự sống ngoài Hành tinh…Đặc biệt là cuốn sách nhỏ câu chuyện về Khoa học viễn tưởng “Đại chiến Tinh cầu” do các Hội viên VASA biên soạn sắp hoàn thiện sẽ chắp cánh thêm ước mơ cho những “Công dân Vũ trụ” tương lai.

CÂU CHUYỆN BÁT CƠM BA BÁT THỊT

Ảnh minh hoạ bát cơm ba bát thị (Nguồn: StudioLG)

Câu chuyện đầu tiên mà bác muốn kể cho các cháu nghe là về một giấc mơ ngẫu hứng thuở bé của bác. Đó là câu chuyện thời thơ ấu, làng bác, một ngôi làng nghèo ven sông. Bác được sinh ra ở thời chiến tranh nên tuổi thơ của bác cũng khó khăn như bao người khác; nhưng bác có may mắn hơn vì ông nội bác từ Pháp trở về nên có chút tiền giúp gia đình mua thêm ruộng, vườn và trâu bò để có thêm thu nhập. Tuy nhiên sau đó có phong trào “Hợp Tác Hoá”[1], các hộ gia đình phải góp ruộng, vườn, trâu bò, ao cá vào hợp tác làm tài sản chung cho tập thể. Bác còn nhớ như in cái hình ảnh ông đội trưởng ngày ngày cứ đúng giờ đánh kẻng[2] để tập hợp những người trong độ tuổi lao động phải ra đồng áng[3] làm việc, tức là ra ruộng cày cấy. Bố mẹ bác cũng trong độ tuổi ấy nhưng do tham gia công tác xã hội nên không thường xuyên tham gia được; vì thế cứ cuối mỗi vụ lúa khi tính ngày công quy ra điểm thì điểm của gia đình bác không cao do đó số thóc[4] được chia cũng ít hơn nhà khác. Cho nên cứ đến thời gian giáp hạt[5] là anh em bác lại phải ăn cơm độn[6] ngô, khoai, sắn vì nhà thiếu gạo.

Thời gian cứ thế trôi qua, những bữa ăn cơm độn tưởng chừng như sẽ thành thói quen nhưng lại nhen nhóm những suy nghĩ trong bác. Vào một buổi trưa năm 1963, sau khi bác học xong buổi học vỡ lòng bác đã nói với mẹ rằng:

“Con sẽ chịu khó học, lớn đi làm, có tiền ăn bát cơm ba bát thịt.”

Giấc mơ ngẫu hứng vào một buổi trưa của bác đã vô tình thành đề tài yêu thích của mẹ bác, đến khi bà trăm tuổi thi thoảng bác vẫn nghe bà nhắc lại chuyện này.

Hãy khoan đừng cười bác các cháu nhé! Vì bác tin rằng khi đọc đến đây chắc hẳn các cháu sẽ không thể hiểu vì sao lại có một ước mơ đơn giản như thế. Nhưng ngày ấy, cái thời chiến tranh, cái thời mà Đất nước mình còn nghèo, gạo thịt phải gom góp gửi vào chiến trương miền Nam; nên những đứa trẻ như bác, cả năm chỉ được nhìn thấy mâm cơm có thịt trong mấy ngày Tết, được ăn thịt là cả một giấc mơ.

Bác đã cho phép mình được mơ, một ước mơ giản đơn như thế, rằng một ngày bác mong có một bát cơm có thịt. Và các cháu biết không, bác đã làm được điều ấy và còn làm được nhiều hơn thế. Vậy nên, điều bác muốn chia sẻ với các cháu là hãy cho phép mình được mơ, dù ước mơ ấy nhỏ bé đến thế nào; và hãy theo đuổi cố gắng đạt được điều ấy. Song song, cũng không quên luôn tôn trọng giấc mơ của mọi người nữa cháu nhé!

Dù đây là một trong những giấc mơ thời thơ ấu của bác nhưng đây không phải là ước mơ đầu đời; nên nếu nhắc đến ước mơ đầu tiên bác còn nhớ là ước mơ “quả bóng gửi về từ Tân Thế giới” mà sau này bác sẽ kể các cháu nghe trong cuốn sách “Thời thơ ấu”.

[1] Hợp Tác Hoá: làm cho sản xuất từ cá thể trở thành tập thể, bằng cách vận động, tổ chức cho những người lao động cá thể tham gia các hợp tác xã.

[2] Kẻng: vật bằng kim loại, dùng đánh ra tiếng để báo hiệu.

[3] Đồng áng: đồng ruộng, thường dùng để nói về công việc cày cấy.

[4] Thóc: hạt lúa còn nguyên cả vỏ trấu

[5] Giáp hạt: khoảng thời gian lương thực thu hoạch được của vụ cũ đã cạn, nhưng chưa đến vụ thu hoạch mới; thường chỉ lúc đói kém do chưa đến vụ

[6] Cơm độn: được dùng khi thiếu gạo, nên phải dùng một thực vật khác thay thế nấu cùng gạo.

ÔNG GIÀ VÓ BÈ VÀ CHIẾC ĐÀI ORIOTON

Bây giờ, bác sẽ kể cho các cháu nghe thêm về những hình ảnh quen thuộc lúc nhỏ nơi bác lớn lên. Nhà bác cạnh một con sông, vì là một con sông nhỏ được bắc qua bằng một chiếc cầu bằng gỗ nên con sông ấy được gọi bằng một cái tên thân quen là “Cầu gỗ”. Hồi còn bé bác rất thích nhìn hai bên bờ sông vì bao quanh nó có rất nhiều vó bè[1] được người dân dựng nên để bắt cá. Vó bè trở thành một hình ảnh không thể thiếu đối với người dân vùng sông nước, đã tạo nên nghề cất vó bè[2] cho ngư dân.Vì bác hay đứng chơi ngay đầu ngõ, nên trong những chiếc vó bè ấy, bác thích ngắm nhìn vó bè của nhà ông Tiến; cái đầu vó bè cao như cần cẩu, cứ vài phút lại cất lên rồi hạ xuống theo từng nhịp từng nhịp một cách rất điệu nghệ.

Vó bè truyền thống của người Việt dùng để bắt cá tại các sông lớn kéo bằng tay, khi hạ lưới xuống sát đáy sông ít phút kéo lên, bên đáy lưới có cái giỏ lớn có hom cá khi vào lưới, cần vó kéo lên cá tự động tụt vào giỏ do hom nhu là “van một chiều” nên cá ở lại trong giỏ.

Năm ấy, vào một trận bão lớn, mưa trút xối xả; nên nước không những ngập đầy đồng mà còn ngập vào tận sân nhà bác. Hình ảnh các ao thả cá của Hợp tác xã dần bị cơn lũ cuốn đi cùng cá to, cá bé cứ thế thay phiên nhau tạm biệt ao nhà lần lượt bị cuốn ra sông và lọt vào vó bé của ngư dân. Ông Tiến chủ vó bè kiếm được rất nhiều mẻ cá to nên đã trở nên giàu có chỉ sau mùa lũ ấy. Đúng là như người xưa đã nói “Thánh nhân đãi kẻ khu khờ”, “Không ai nghèo ba họ, không ai khó ba đời”; từ một gia đình nghèo phải sống tận bờ sông và làm nghề kéo vó trang trải cuộc sống, nay gia đình ông Tiến đã có một cuộc sống khá giả hơn.

Sau vụ trúng mẻ cá to, ông Tiến quyết định xuống tỉnh mua một cái đài ORIOTON cũ, có cả túi da và dây đeo trên lưng. Thuở ấy, đài ORIOTON chỉ giành cho gia đình giàu có vì giá của nó còn nhiều tiền hơn cả ba gian nhà ngói nên cả huyện bác sống chắc cũng chỉ có vài ba chiếc.

Chiếc đài (Radio) ORIOTON do Hungari sản xuất được nhập vào Việt Nam những năm 1960 có các băng sóng dài, sóng trung và các băng sóng ngắn truyền lan rất xa khắp các châu lục nhờ tín hiệu phản xạ trên các tầng không gian điện ly.

Ông Tiến vui vẻ mang đài về đến làng, mở oang oang cho cả xóm xúm lại cùng nghe mỗi tối. Ngày ngày, tiếng radio của ông vẫn cứ đều đặn phát tin tức nhưng người càng ngày càng thưa thớt hơn do trong xã vẫn có loa truyền thanh phát tin thời sự khi mọi người đi làm đồng trở về Vì muốn có người cùng nghe và chia sẻ các thông tin nghe được trên đài, tối muộn nào ông Tiến cũng đeo đài trên lưng rồi mang đến nhà bác để cùng bố bác vặn dò tìm đài “BBC Tiếng Việt” – BBC Tiếng Việt là đài của “địch” nên hồi đó ai nghe đài này sẽ bị tội. Nhưng vì lo lắng cho chiến trường miền Nam và vì cả em ruột lẫn anh em họ hàng của bố bác đều đang tham gia chiến đấu ở đó nên bố bác cũng liều nghe “đài địch” để nắm bắt thông tin. Và cứ thế, cùng những bản tin tức nóng bỏng từ chiến trường trên đài BBC, đài ORIOTON đã dần trở thành người bạn tri kỷ của cả ông Tiến và bố bác.

Họ thường nghe những tin tức trên đài và ngồi đến khuya để bàn về diễn biến trên chiến trường, tình hình địch họ nghe được qua tin tức BBC, đến chuyện gián điệp và cả biệt kích. Ngày đó trên đài truyền thanh xã liên tục có buổi phát thanh “Câu chuyện cảnh giác” nên câu chuyện “Địch, ta”, biệt kích, điệp viên là trở thành chủ đề chiếm thời lượng họ đàm đạo nhiều nhất.

Nhờ thế, mà bác cũng nghe ngóng được rất nhiều câu chuyện từ đài, từ bố và ông Tiến khi họ đàm đạo cùng nhau. Bác còn nhớ mãi cứ sau mỗi buổi phát tin tức trên đài BBC sẽ là hàng giờ toàn tiếng “tạch tạch, tè tè…rồi lại tè tè tạch tạch”. Ông Tiến giảng giải cho bố bác rằng có chú Bộ đội thông tin rải dây bên bờ sông nói với ông rằng đó là “tín hiệu Moócxer[3] của điệp viên phát từ nước ngoài, phát ám hiệu để chỉ huy gián điệp nằm vùng tại Việt Nam”

Điện đài dùng cho lính biệt kích và điệp viên

Ít hôm sau vẫn như các buổi tối khác cùng ngồi nghe đài ORIOTON, nhưng lần này chúng bác nghe thấy những tiếng phát thanh tiếng Việt rất lạ: “o tròn, em bé, Quảng Ninh, sông Hồng, sông Lô…” bằng một giọng nữ thánh thót, trong trẻo. Ông Tiến giải thích rằng các chú Bộ đội thông tin bảo đây là “tiếng lóng mật mã’ của quân ta phát đi từ Hà Nội để chỉ huy các chiến sỹ tình báo ở miền Nam và nước ngoài !”.

Vì toàn được nghe những câu chuyện ly kỳ mà không phải ai cũng được nghe nhất là đám con nít như bác, nên dù hiểu rằng việc nghe đài BBC bị cấm và không được kể cho người ngoài; bác vẫn không thể kiềm lại và kể cho bạn bè trong xóm! Có khi bác kể thêm thắt cho đám trẻ con ly kỳ hơn ông Tiến nói cho bố bác nghe nữa.

Điện đài dùng cho lính biệt kích và điệp viên

Chuyện bác không giữ kín “nghe đài BBC”; chuyện nghe thấy tiếng Moocxer “tạch tè”; chuyện nghe câu trên đài phát thanh giọng đọc “o tròn”, “em bé’, “Quảng Ninh” đã đến tai các chú Dân quân. Thế là chương trình mở đài BBC của ông Tiến và bố bác thưa dần và ít để mọi người biết. Và từ đó bác cũng bị “xua duổi”[4] không còn có thể nấp lấp ló để nghe lén nữa. Dẫu vậy những tiếng nói, tiếng động, thông tin ấy cứ văng vẳng bên tai làm bác không thôi nghĩ suy, không thôi ước mơ, những giấc mơ tuổi thơ!

[1] Vó bè: dụng cụ đánh bắt cá, thuỷ sản theo phương pháp cổ truyền của những ngư dân vùng sông nước.

[2] Cất vó bè: Một hình thức đánh bắt sự dụng vó bè.

[3] Moócxer: tín hiệu điện dấu bằng maníp/dụng cụ liên lạc điện báo

[4] Xua đuổi: đuổi đi không cho lại gần

TRÒ CHƠI GALEN

Bác có một người anh rể, bác ấy là cơ công[1] của một đơn vị tên lửa. Thấy bác thích nghe đài lại hay hỏi chuyện về những điều được nghe từ ông Tiến cất vó bè nói nên anh rể bác đã hướng dẫn bác làm Galen[2]. Bác đã được học từ này từ bác ấy, Galen là một dụng cụ nghe đài từ thời sơ khai. Bác đã làm Galen bằng 2 sợi dây đồng nhỏ như sợi chỉ mỗi sợi dài hai ba mươi mét căng ra hai đầu, buộc lên cây, hai đầu dây còn lại nối vào chụp tai nghe; để cho các cháu dễ hình dung bác đã minh hoạ như hình bên dưới. Tai nghe mà bác nối vào là của Bộ đội thông tin được anh rể bác mang về cho bác. Khi bác nghe thử, thì thấy nhiều tiếng loẹt xoẹt, lí nhí anh rể bác gọi những tiếng động đó là “làn sóng điện đài phát thanh”. Thế là, Galen đã làm bác thích thú, và đã trở thành trò chơi không những của bác mà còn là của bọn trẻ trong làng; chúng cứ xúm lại quanh bác mỗi khi bác căng dây “nghe Galen” để chúng cùng nghe.

Mạch điện Galen
Galen thu và truyền sóng vô tuyến

Ít năm sau anh rể bác về làng mang theo cả bao tải các bảng mạch linh kiện như là bóng bán dẫn, điện trở, điot, tụ điện, v.v. Bác ấy giải thích chúng dùng là để lắp nên một cái đài. Thế là mấy hôm sau, sau bao ngày chờ đợi trong háo hức, bác ấy mở sổ tay, nhìn bản vẽ[3], rồi bắt đầu hàn nối mấy cái linh kiện đó lại, xuống tỉnh mua thêm cái loa, lấy mảnh gỗ đóng lại cái hộp, lắp pin vào và cái đài đã kêu. Đài có tiếng kêu nhưng không nghe rõ tiếng, chỉnh mãi, chính mãi cũng không được bác ấy nói là vì “đầu mối có hai bóng”[4]. Nếu yếu phải lắp đài 3 bóng, 4 bóng đó là từ bác ấy gọi. Sau này bác mới hiểu ‘bóng’ mà bác ấy nói nghĩa là bóng bán dẫn. Dù phải trải qua nửa năm làm đi làm lại chiếc đài ấy dần trở nên hoàn thiện, nó đã kêu to và rõ hơn;  ngày ấy bác vẫn rất thán phục và tự hào về người anh rể tài giỏi và kiên trì của mình.

Nhờ vào những trải nghiệm ấy, sự tưởng tượng trong bác ngày càng lớn lên. Sau mỗi buổi chiều tan học, cứ mỗi lần đi chăn trâu bác lại tự do suy nghĩ lung tung đến mức có lần dắt trâu ăn cỏ mà không để ý giữ căng dây thừng[5] để trâu ăn mất lúa thế là bác đã bị ăn đòn[6], quở trách. Còn có vài lần bị trâu húc vào mông bắn tung người xuống ruộng cũng do cứ mơ mộng không để ý.

Mặc dầu bị đánh đòn, bị quở trách nhưng không ai có thể ngăn cản được ước mơ tuổi thơ đúng không các cháu? Bác vẫn tiếp tục thả mình vào dòng suy nghĩ, đắm chìm trong ước mơ của mình. Lúc ấy, bác mơ ước được học “cơ công”, đơn giản là để lắp được một cái đài kêu to hơn nữa, hiện đại hơn nữa, hơn cái đài 4 bóng của anh rể bác đã làm.

[1] Cơ công: công nhân vô tuyến điện

[2] Galen: dụng cụ nghe đài thời sơ khai

[3] Bản vẽ: bản thiết kế

[4] Bóng: bóng bán dẫn

[5] Căng dây thừng: dây thừng chăn trâu, dùng để buộc vào mũi con trâu dắt đi chăn

[6] Ăn đòn: đánh đòn

SAO ĐÊM, BẦU TRỜI, MÁY BAY VÀ NHỮNG ƯỚC MƠ

Câu truyện tiếp theo này bác sẽ kể tiếp trong bài đăng lần sau, mong các cháuThiếu niên và nhi đồng đón đọc.

(tác giả: Phạm Bình, Tặng các cháu Thiếu niên Nhi đồng yêu thích Vũ trụ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *