Quá trình hố đen ‘xé rách’ ngôi sao

Phòng thí nghiệm gia tốc hạt ở Hamburg – DESY, vừa chia sẻ đồ họa cho thấy hố đen có thể phá hủy một ngôi sao nhanh tới mức nào.

Ngôi sao bị hố đen phá hủy. Video: DESY.

Tương tác giữa hố đen và ngôi sao còn được gọi là rối loạn thủy triều sao và tương đối hiếm gặp, cứ 10.000 năm mới xảy ra một lần trong thiên hà thông thường, theo NASA. Các ngôi sao bị quăng về phía một hố đen “phàm ăn” dưới tác động từ lực hấp dẫn của ngôi sao khác hoặc vật thể khối lượng lớn, bị kéo căng và nuốt chửng nếu chúng tới quá gần. Hiện tượng này có tên gọi “mỳ ống hóa”.

Tương tự lực tác động của Mặt Trăng lên thủy triều trên Trái Đất, lực hấp dẫn chịu trách nhiệm gây ra phần lớn quá trình hủy diệt. Đầu tiên, lớp khí quyển bên ngoài của ngôi sao bị hút về phía hố đen, xoay tròn xung quanh mép của nó giống như nước chảy xuống cống, hình thành đĩa bồi tụ như trong video.

Hố đen chỉ tiêu hóa khoảng 1% khối lượng của ngôi sao. Phần khối lượng còn lại cuối cùng sẽ bắn từ vùng trung tâm của hố đen trở lại không gian dưới dạng luồng tia mang năng lượng và vật chất cực mạnh. Những luồng tia này đôi khi có thể thắp sáng cả vũ trụ, cho phép nhà thiên văn học trên Trái Đất trông thấy hố đen xa xôi. Các hạt ma cực nhỏ gọi là neutrino cũng văng ra từ hố đen, đôi khi tạo điều kiện cho giới nghiên cứu tìm hiểu quá trình hố đen ăn sao.

Một số vật chất từ ngôi sao rơi qua chân trời sự kiện, điểm mà tại đó không thứ gì có thể thoát ra, ngay cả ánh sáng. Đồ họa của DESY cũng hé lộ một số hiệu ứng quang học kỳ lạ mà chân trời sự kiện tạo ra như ánh sáng bị bẻ cong tới mức có thể thấy khu vực ở phía sau đĩa bồi tụ từ mặt trước.

(theo vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *