NASA sắp đâm tàu vũ trụ 330 triệu USD vào tiểu hành tinh

Lần đầu tiên NASA sẽ phóng tàu vũ trụ đâm vào một tiểu hành tinh nhỏ và thay đổi quỹ đạo của nó để thử nghiệm chiến thuật bảo vệ hành tinh.

Mô phỏng tàu vũ trụ DART và vệ tinh cubesat ở hệ tiểu hành tinh Didymos. Ảnh: NASA

Nhiệm vụ mang tên Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) đánh dấu lần thử đầu tiên của NASA đối với chiến thuật phòng thủ chủ động. Chiến thuật này tập trung vào các bước tìm kiếm tiểu hành tinh lớn có khả năng va chạm với Trái Đất, đánh giá nguy cơ và ngăn chặn thảm họa nếu cần. DART sẽ thử nghiệm một kỹ thuật ở bước cuối cùng thông qua đâm vào mặt trăng nhỏ hơn của tiểu hành tinh. Các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi chặt chẽ để xem xét thời gian quay quanh quỹ đạo của mặt trăng này rút ngắn bao nhiêu.

“Một cú đâm nhẹ vào tiểu hành tinh sẽ góp phần tạo ra thay đổi lớn ở vị trí của nó trong tương lai, khi đó tiểu hành tinh và Trái Đất sẽ không còn nguy cơ va chạm nữa”, Nancy Chabot, nhà khoa học hành tinh kiêm trưởng nhóm điều phối nhiệm vụ DART ở Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins tại Maryland, cho biết.

Phòng thủ hành tinh bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là tìm kiếm tiểu hành tinh, theo dõi chặt chẽ để lập mô hình đường bay và so sánh với quỹ đạo của Trái Đất trong tương lai. Tính đến nay, giới nghiên cứu đã nhận dạng hơn 27.000 tiểu hành tinh gần Trái Đất, gần 10.000 tiểu hành tinh trong số đó có đường kính lớn hơn 140 m, kích thước có thể gây thiệt hại nghiêm trọng ở quy mô lớn.

Các chuyên gia về phòng thủ hành tinh chưa tìm ra tiểu hành tinh cỡ lớn nào trên đà đâm vào Trái Đất. Nếu có, giai đoạn hai của phòng thủ hành tinh sẽ được kích hoạt. Nhiệm vụ DART được thiết kế để thử nghiệm kỹ thuật mang tên “kinetic impactor”, để vật thể có khối lượng đủ lớn đâm vào một tiểu hành tinh ở tốc độ đủ nhanh để khiến nó chệch khỏi đường bay nguy hiểm.

Nhiệm vụ DART trị giá 330 triệu USD sẽ phóng trên tên lửa Falcon 9 của SpaceX từ Căn cứ Vandenberg ở California vào 12h20 ngày 23/11 theo giờ Hà Nội. Vào mùa thu năm sau, DART sẽ bay đến hệ tiểu hành tinh gần Trái Đất gồm tiểu hành tinh Didymos đường kính 780 m và mặt trăng nhỏ hơn. Mặt trăng có tên gọi Dimorphos chỉ rộng 160 m. Đây là mục tiêu của tàu vũ trụ DART. Con tàu sẽ đâm trực diện vào Dimorphos.

Theo tính toán của các nhà khoa học, cú đâm sẽ khiến thời gian quay quanh quỹ đạo của mặt trăng (12 giờ) giảm ít nhất 73 giây và nhiều nhất là hơn 10 phút. Một vệ tinh cubesat bay cùng DART sẽ theo dõi vụ va chạm. Những kính viễn vọng trên mặt đất cũng tham gia quan sát sự kiện và tác động của nó tới quỹ đạo quanh Didymos. Vài năm sau, Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ phóng tàu thăm dò để đánh giá kết quả va chạm từ khoảng cách gần. NASA hy vọng DART sẽ cung cấp cho các nhà khoa học dữ liệu đầu tiên về hiệu quả của kỹ thuật kinetic impactor.

(theo vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *