Các nhà khoa học đang tính toán khả năng triển khai tàu du hành vũ trụ đuổi theo Oumuamua, thiên thể liên sao đầu tiên lọt vào tầm quan sát của nhân loại, và chụp ảnh cận cảnh đối tượng để nghiên cứu.
Mô phỏng ‘phi thuyền ngoài hành tinh’ OumuamuaĐÀI THIÊN VĂN GEMINI |
Năm 2017, giới thiên văn học phát hiện một vật thể di chuyển nhanh đến mức chỉ có thể xác định nó thuộc về một hệ sao khác. Được đặt tên Oumuamua, đây là thiên thể đầu tiên từng được ghi nhận đến từ không gian liên sao ngoài hệ mặt trời.
Oumuamua không phải là bất kỳ thứ gì mà con người từng quan sát trước đó. Có chiều dài khoảng 275 m, thiên thể lọt vào kính viễn vọng trên đỉnh Haleakala ở đảo Maui thuộc Hawaii vào tháng 10.2017.
Có thời điểm, Oumuamua đột ngột tăng tốc lên gần 140.000 km/giờ và thay đổi hướng đi so với tính toán của giới chuyên gia trái đất. Đó là lý do khiến một số chuyên gia cho rằng Oumuamua có lẽ là phi thuyền của người ngoài hành tinh.
Hiện Oumuamua có lẽ nằm đâu đó bên ngoài quỹ đạo Hải Vương tinh và đang hướng về chòm sao Phi Mã nhưng vẫn chưa rời khỏi Thái Dương hệ.
Cùng với các đồng nghiệp Mỹ và châu Âu, nhóm các nghiên cứu thuộc tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Liên sao (i4is) đề xuất kế hoạch phóng phi thuyền đuổi theo Oumuamua vào năm 2028.h
“Chúng ta cần bức ảnh của nó, ở khoảng cách thật gần”, trang Livescience dẫn lời tác giả dự án là ông Adam Hibberd của i4is. Để có thể chụp ảnh, không còn cách nào khác là phải triển khai tàu du hành bám theo Oumuamua, ông cho biết.
Nhóm của ông Hibberd đề xuất kế hoạch gọi là “Dự án Lyra”, theo đó phi thuyền rời khỏi địa cầu và nương theo lực đẩy của sao Kim và trái đất đến được vị trí của sao Mộc mà không phải tốn quá nhiều năng lượng. Kế tiếp, phi thuyền sẽ đốt năng lượng mang theo để tăng tốc, tiếp tục dựa vào lực đẩy của sao Mộc và hướng đến Oumuamua với tốc độ khoảng 133.200 km/giờ.
Kế hoạch đã được trình lên Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhưng chưa rõ có thể được triển khai trên thực tế hay không.
(theo Thanh Niên)