Sau thời gian nghiên cứu, Lầu Năm Góc đã đạt được đột phá về vũ khí laser năng lượng cao, hứa hẹn sẽ mang đến lợi thế trên chiến trường cho quân đội Mỹ.
Các tiêm kích của không quân khai hỏa chùm tia laser bắn phá tên lửa bội siêu thanh của đối phương trong không gian, những dòng thiết giáp của lục quân dùng vũ khí laser phá hủy các thiết bị bay không người lái của địch thủ trên chiến trường. Đó là những mục tiêu Lầu Năm Góc đang hướng đến trong nỗ lực phát triển các dòng vũ khí laser thế hệ mới, theo chuyên san The National Interest đưa tin gần đây.
Vũ khí laser cho không gian
Quân đội Mỹ từ lâu đã triển khai công nghệ laser trong nhiều lĩnh vực ứng dụng, chẳng hạn như đo khoảng cách, nhắm bắn chính xác. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc và các cơ quan quốc phòng của Mỹ hiện đẩy nhanh tốc độ phát triển các dòng vũ khí laser mới, với sức công phá cao hơn và linh hoạt hơn trong điều kiện thực chiến. Phần lớn hoạt động cải tiến đang xoáy vào các vấn đề như “kích thước, trọng lượng, sức công phá”, nhằm hướng đến trang bị vũ khí cho các chiến đấu cơ và thậm chí xa hơn nữa là phá hủy tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ giờ đây đã có thể điều chỉnh quy mô của laser, chuẩn bị tích hợp vào hệ thống của cơ quan này, trong khi Phòng Nghiên cứu Không quân đang thu nhỏ các hệ thống di động để lắp đặt cho những đời chiến đấu cơ, và lục quân đã trang bị vũ khí laser cho các xe bọc thép Stryker. Mục tiêu kế tiếp là kéo dài thời gian chùm tia laser di chuyển kể từ thời điểm khai hỏa, cho phép chúng đi vào không gian và duy trì cường độ đủ mạnh để tiêu diệt các ICBM trước khi tên lửa của đối thủ tiến nhập khí quyển.
Trong một diễn biến mới nhất, các nhà phát triển vũ khí của Lục quân và nhóm khoa học gia của Đại học New York (Mỹ) đã đạt được thành tựu mang tính đột phá, hứa hẹn tạo ra những dòng vũ khí laser mạnh hơn, bắn xa hơn và duy trì sức công phá lâu hơn.
Xây dựng đường truyền cho laser
Theo chuyên trang Tech Times, đột phá mới dựa vào các tiến bộ gần đây trong khoa học, liên quan đến photon và quang học ở cấp độ phân tử và nguyên tố. Kết quả là các nhà khoa học giờ đây có thể tạo ra cấu trúc mạng tinh thể quang tử 3D, cho phép chứa và truyền đi ánh sáng laser. Nói một cách đơn giản, các chuyên gia quân sự đã sử dụng những hạt cực nhỏ để tạo nên một cấu trúc hình học đối xứng, từ đó quản lý hiệu quả năng lượng ánh sáng và ngăn chặn những phần tử ánh sáng “rò rỉ” khỏi chùm tia chính và yếu dần trong quá trình di chuyển.
Nếu được truyền dẫn trong cấu trúc mạng tinh thể quang tử 3D này, chùm tia laser sẽ duy trì được cường độ cho đến khi chạm mục tiêu vì không bước sóng ánh sáng nào có thể thoát ra cấu trúc này, theo tiến sĩ Evan Runnerstrom, Chủ nhiệm Chương trình phát triển vũ khí laser của Văn phòng Nghiên cứu Lục quân.
Nhóm của ông đã chứng minh khái niệm trên trong điều kiện phòng thí nghiệm, và đã trình bày kết quả thu được trong báo cáo đăng trên chuyên san Nature Journal. Tiến sĩ Runnerstrom dự báo, trong thời gian tới, họ sẽ có thể kiểm soát cường độ ánh sáng với độ chính xác cực cao và điều khiển chúng theo ý muốn. Nếu tiếp tục theo hướng nghiên cứu này, ông cho rằng thời của vũ khí laser dành cho tiêm kích sẽ không còn xa.
(theo Thanh Niên)