Cuộc đua công nghệ vũ khí vi sóng

Nga, Mỹ và Trung Quốc duy trì chương trình phát triển vũ khí vi sóng, được cho là gây ra căn bệnh bí ẩn “triệu chứng Havana”.
Thiết bị phản ứng chiến thuật năng lượng cao (THOR) của Mỹ /// Ảnh: Quân đội Mỹ
Thiết bị phản ứng chiến thuật năng lượng cao (THOR) của Mỹ ẢNH: QUÂN ĐỘI MỸ
Các chuyên gia cho biết vũ khí vi sóng chuyển đổi năng lượng từ nguồn điện (có thể từ xe quân sự) thành vi sóng (microwave) để tấn công mục tiêu. Vũ khí vi sóng năng lượng cao có thể làm hỏng các thiết bị, nhất là thiết bị điện tử, đồng thời gây hại cho con người, gần đây nhất là căn bệnh bí ẩn “triệu chứng Havana” của các nhà ngoại giao Mỹ.

Vũ khí vi sóng năng lượng cao

Giáo sư Edl Schamiloglu tại Đại học New Mexico (Mỹ) lý giải vũ khí vi sóng có thể tạo ra công suất điện rất cao, với điện áp lên đến vài megavolt và cường độ dòng điện hàng trăm ngàn ampere, theo tờ Asia Times. Đó là điện áp cao hơn đường dây tải điện cao thế và gần bằng dòng điện trong tia chớp.
Bên cạnh đó, cơ chế tạo ra các xung điện từ ngắn lặp đi lặp lại giúp vũ khí vi sóng ít sinh nhiệt. Mỗi xung điện từ phát ra kéo dài khoảng 10 nano giây (1/1 tỉ của 1 giây). Do đó, ngay cả khi tạo ra năng lượng 1 gigawatt, mỗi xung điện từ 10 nano giây cũng chỉ có mức năng lượng khoảng 10 joule (hay Jun, ký hiệu J).
Trong khi đó, một lò vi sóng trung bình trong 1 giây tạo ra 1 kilojoule (kJ), tức 1.000 J. Lò vi sóng thường mất khoảng 4 phút để đun sôi một cốc nước, tương ứng với 240 kJ. Đó là lý do vì sao vũ khí vi sóng không tạo ra một lượng nhiệt đáng kể, không thể khiến con người phát nổ như khoai tây trong lò vi sóng, chuyên gia Schamiloglu lưu ý.
Theo ông Schamiloglu, Nga và Mỹ vẫn duy trì chương trình vũ khí vi sóng kể từ thập niên 1960, còn Trung Quốc được cho là đang đẩy mạnh phát triển công nghệ này. Chẳng hạn, Mỹ có Dự án Tên lửa tiên tiến vi sóng năng lượng cao (CHAMP) của Hãng Boeing nhằm phát triển một nguồn vi sóng trong tên lửa; và Thiết bị phản ứng chiến thuật năng lượng cao (THOR). Quân đội Mỹ gần đây thử nghiệm THOR, vốn có khả năng tiêu diệt cùng lúc nhiều máy bay không người lái, theo chuyên trang Military.com.

Khả năng tấn công con người

Vũ khí vi sóng thường được thiết kế để vô hiệu hóa thiết bị điện tử. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ cho thấy vi sóng cũng có thể gây hại cho con người ở gần đó thông qua hiệu ứng Frey (Frey effect).
Cụ thể, đầu người hoạt động như một ăng ten thu vi sóng ở dải tần gigahertz thấp, Giáo sư Schamiloglu lý giải. Vi sóng có thể khiến con người nghe thấy âm thanh lạ, bị ù tai và thậm chí mất thính giác. Đây chính là một dấu hiệu của căn bệnh bí ẩn “triệu chứng Havana”.
Hội đồng 19 chuyên gia của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ hôm 7.12 công bố nghiên cứu cho rằng vi sóng có thể là nguyên nhân khiến các viên chức ngoại giao Mỹ ở Cuba, Trung Quốc mắc những triệu chứng lạ được gọi là “triệu chứng Havana” trong giai đoạn 2016 – 2018.
Theo nghiên cứu, vi sóng “dường như là lời giải thích hợp lý nhất” cho các triệu chứng mất thính lực, đau đầu, chóng mặt. Tuy nhiên, báo cáo không nêu rõ nguồn gốc vi sóng và cũng không xác định đó là một cuộc tấn công.
(theo Thanh Niên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *