Điệp viên khiến công nghiệp quốc phòng Liên Xô điêu đứng

Adolf Tolkachev tuồn cho Mỹ thông tin mật về các khí tài tối tân Liên Xô, giúp Washington tiết kiệm hàng tỷ USD đổi mới công nghệ.

Một buổi tối lạnh giá ở thủ đô Moskva của Liên Xô tháng 1/1977, một người đàn ông bí ẩn ngoài 50 tuổi va phải một người khác tại trạm xăng gần đại sứ quán Mỹ. Một trong hai người chính là trưởng phòng Moskva của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), còn người kia là Adolf Tolkachev, chuyên gia về hệ thống dẫn đường bằng laser và công nghệ gây nhiễu radar quân sự tại Viện nghiên cứu Fazotron.

Cuộc gặp gỡ không phải ngẫu nhiên, đây là điểm khởi đầu dẫn đến vụ rò rỉ bí mật hàng không quân sự nghiêm trọng nhất trong lịch sử Liên Xô. Là người có quyền tiếp cận bí mật quốc gia ở cấp cao nhất của Liên Xô, Tolkachev đã làm việc cho CIA trong giai đoạn 1979-1985 với mật danh “Sphere”.

Điệp viên này đã chuyển giao nhiều thông tin tuyệt mật cho Mỹ, đẩy nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô đến bên bờ vực sụp đổ.

Adolf Tolkachev trong một kỳ nghỉ vào đầu thập niên 1970. Ảnh: RBTH.

Những năm đầu Chiến tranh Lạnh, CIA chưa bao giờ có chỗ đứng trong hoạt động gián điệp ở Moskva, tình báo Mỹ luôn gặp khó khăn trong quá trình tuyển mộ điệp viên nằm sâu trong các cơ quan Liên Xô.

Hoạt động gián điệp chuyển biến bất ngờ khi CIA tình cờ tuyển mộ được Tolkachev. Đây được coi là kẻ phản bội Liên Xô được trả lương cao nhất, với khoản thù lao tương đương hàng chục triệu USD ngày nay. Hoạt động của Tolkachev đã giúp Mỹ tiết kiệm hàng chục tỷ USD đổi mới công nghệ quân sự.

Tháng 4/1979, ngay trong năm đầu tiên tiếp cận CIA, Tolkachev đã nêu động cơ của mình trong một bản ghi chú viết tay. Anh ta tiết lộ rằng mình thích nước Mỹ. “Tôi chưa tận mắt nhìn thấy đất nước của các bạn, nhưng tôi có ấn tượng rằng tôi thích sống ở Mỹ hơn. Chính vì lý do này mà tôi đã quyết định đề nghị hợp tác với các bạn”, Tolkachev giải thích.

Các ghi chép của Tolkachev cho thấy đây là người đàn ông của gia đình và động cơ chính dẫn đến hành động phản quốc là trả thù cho gia đình vợ. Natalia Ivanova, vợ của Tolkachev, sinh năm 1933 và cũng là chuyên gia về ăng ten tại Fazotron. Mẹ Natalia bị hành quyết năm 1938, trong khi người cha bị đưa vào trại lao động cải tạo trong nhiều năm trước khi được thả vào năm 1955 và qua đời sau đó không lâu.

Tolkachev sống cùng vợ và con trai trong một căn hộ hai phòng ngủ trên tầng 9 tòa nhà ở quảng trường Kudrinskaya, chỉ cách đại sứ quán Mỹ ở Moskva khoảng 400 m. Điều này tạo điều kiện cho Tolkachev bí mật liên lạc và chuyển giao thông tin cho đặc vụ Mỹ.

Trước khi gặp trùm CIA, Tolkachev dành nhiều tuần đi dạo buổi tối quanh khu vực đại sứ quán Mỹ để quan sát các xe biển số ngoại giao, vạch ra cách tiếp cận nhân viên tình báo Mỹ.

Khi Tolkachev va vào trùm CIA đêm tháng 1/1977, anh ta chỉ hỏi đối phương có phải người Mỹ hay không, sau đó để lại một phong bì thư dưới cần gạt nước của xe. Bức thư viết ngắn gọn rằng Tolkachev muốn “thảo luận các vấn đề trên cơ sở tuyệt mật” và với “một quan chức Mỹ thích hợp”. Phải mất hai năm trao đổi bí mật như vậy, phía Mỹ mới tỏ ra tin tưởng Tolkachev.

Giới chức Mỹ khá hoang mang, bởi thời điểm đó CIA chuẩn bị tiến hành một số điệp vụ ở Moskva và không muốn xảy ra bê bối ngoại giao với Liên Xô. Đầu năm 1978, Lầu Năm Góc yêu cầu CIA xác minh thông tin Tolkachev nắm trong tay. John Guilsher, một sĩ quan thạo tiếng Nga, được giao nhiệm vụ thiết lập quan hệ đôi bên.

Tolkachev được đào tạo để sử dụng máy ảnh và bộ giải mã siêu nhỏ. Tháng 4/1980, Washington gọi các cuộc thử nghiệm của Tolkachev về thiết bị chống nhiễu trên tiêm kích Liên Xô là tin tình báo “độc nhất vô nhị”. Chúng được gửi kèm thông tin cải tiến của những tiêm kích Liên Xô và các tài liệu mô tả chi tiết một số tên lửa mới.

Hệ thống camera siêu nhỏ được trang bị cho Tolkachev. Ảnh: RBTH.

Hệ thống camera siêu nhỏ được trang bị cho Tolkachev. Ảnh: RBTH.

CIA cung cấp cho Tolkachev một số camera, xem xét phản hồi của điệp viên này, rồi chỉnh sửa thiết kế. Thông thường, các thiết bị và hướng dẫn mới sẽ được giấu trong bốt điện thoại ở Moskva, đôi khi trong găng tay bẩn của công nhân để trên mặt đất.

Năm 1980, Tolkachev yêu cầu gửi kèm một viên thuốc độc trong bưu kiện tiếp theo. “Những điều tôi có thể giấu gia đình, tôi không bao giờ giấu được với KGB”, Tolkachev nói.

Dấu hiệu sẵn sàng gặp gỡ thường là Tolkachev hé mở cửa sổ nhà bếp vào một thời điểm cụ thể. Các dấu hiệu khác gồm xe hơi được đỗ theo cách nhất định để ra hiệu khu vực đang bị giám sát chặt chẽ và liên lạc gặp khó khăn.

Mọi thứ càng trở nên rủi ro hơn khi Tolkachev tìm kiếm các tài liệu không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nghiên cứu trong thư viện của Viện Fazotron. Việc tiếp cận các nghiên cứu mật mà không khiến KGB nghi ngờ là điều bất khả thi.

Năm 1983, Viện Fazotron áp dụng quy định bảo mật mới khiến Tolkachev bắt đầu lo lắng. KGB sau đó mở cuộc điều tra, tập trung vào nguy cơ rò rỉ thông tin trên hệ thống nhận diện địch – ta của tiêm kích Liên Xô.

Dù không có gì xảy ra sau đó, Tolkachev bắt đầu ngậm viên thuốc độc do CIA cung cấp. Có lần Tolkachev lo lắng bị phát hiện đến mức đốt rất nhiều tài liệu và tiền ở khu nhà nghỉ dưỡng. Trên đường trở lại Moskva, anh ta vứt các thiết bị gián điệp và giấy vụn ra ngoài cửa sổ ô tô đang chạy.

Đến tháng 6/1985, KGB bằng cách nào đó dã phát hiện ra Tolkachev là gián điệp và anh ta dường như đã cố gắng cảnh báo Mỹ.

Ngày 13/6/1985, một đặc vụ CIA tới gặp một điệp viên hai mang theo kế hoạch. Khi cuộc gặp đang diễn ra thì hơn chục sĩ quan KGB xuất hiện, bắt đặc vụ Mỹ và đưa về trụ sở ở Lubyanka.

Tại đây, tình báo Liên Xô phát hiện gói hàng dự kiến được chuyển cho Tolkachev gồm các máy quay cỡ nhỏ, tài liệu, số tiền hàng nghìn ruble. Tolkachev lập tức bị bắt sau đó.

Tolkachev bị các sĩ quan KGB bắt năm 1986. Ảnh: RBTH.

Tolkachev bị các sĩ quan KGB bắt năm 1986. Ảnh: RBTH.

Một số nguồn tin từ Mỹ cho rằng Tolkachev bị sĩ quan CIA Edward Lee Howard bán đứng. Howard đã gặp các sĩ quan KGB ở Vienna, Áo, để bán thông tin trong giai đoạn 1984-1985. Tuy nhiên, các nguồn tin Nga sau này khẳng định Moskva đã phát hiện từ trước và cung cấp thông tin tình báo giả cho Tolkachev để phá hoại nỗ lực của Mỹ nhằm sao chép công nghệ Liên Xô.

Trong hơn 6 năm, Tolkachev đã gặp các sĩ quan CIA 21 lần trên đường phố Moskva. Nhờ các thông tin Tolkachev cung cấp, Mỹ đã tiếp cận được lượng lớn dữ liệu nhạy cảm về các hệ thống vũ khí mới nhất của Liên Xô. Thông tin tình báo này đã ảnh hưởng sâu sắc đến cán cân sức mạnh toàn cầu.

Các hệ thống vũ khí hiện đại nhất của Liên Xô như tên lửa không đối không R-24, R-27, R-33 và R-60 cho đến hệ thống phòng không S-300 mới nhất khi đó đều bị tổn hại nghiêm trọng. Thông tin chi tiết về tiêm kích hiện đại nhất của Liên Xô là MiG-31 cũng được cung cấp cho Mỹ, trong đó hệ thống điện tử và radar của chúng được Mỹ quan tâm và đánh giá cao. Dữ liệu về radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) Zaslon của MiG-31 đã giúp Mỹ rút kinh nghiệm để nâng cấp radar trên tiêm kích F-14.

Nhờ thông tin do Tolkachev cung cấp, Mỹ đã phát triển những hệ thống tác chiến điện tử hiệu quả hơn và đối phó các tiêm kích Liên Xô dễ dàng hơn. Trong khi đó, Liên Xô không có thông tin tình báo nào đáng kể về thiết kế máy bay chiến đấu hoặc hệ thống phòng không mới của Mỹ.

Kết quả là hệ thống phòng thủ Liên Xô và đồng minh gần như bị bắt bài trong một thời gian dài. Hành động của Tolkachev gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô, khiến Moskva mất nhiều thời gian và tiền bạc để khắc phục.

Cuối năm 1986, báo chí Liên Xô đưa tin Tolkachev bị xử tử vì tội phản quốc. Năm 2015, CIA giải mật hơn 900 trang tài liệu liên quan đến Tolkachev và chúng được cây bút David E. Hoffman sử dụng để viết cuốn sách có tên “Điệp viên tỷ đô: Một câu chuyện thực sự về hoạt động gián điệp và sự phản bội thời Chiến tranh Lạnh”.

(theo vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *