Để tiếp nối cho “Câu chuyện đo huyết áp” mà Ban biên tập VASA đã đăng tải kì trước đã nói về “bản lĩnh trân mạc”, tâm lý bình tĩnh, tự tin không hề run sợ trước những thách thức lớn vũ các Anh hùng phi công Vũ trụ Việt Nam. Hôm nay bác muốn kể câu chuyện về “Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều và quả tên lửa thứ ba”, người đã được bác Phạm Tuân kể trong một buổi trò chuyện cùng các bạn trẻ học sinh, sinh viên. Câu chuyện sẽ giúp thế hệ trẻ các cháu hiểu thêm bản lĩnh, ý chí của các Anh hùng Việt Nam nói chung và các Anh hùng phi công Việt Nam nói riêng; qua đó thêm tự hào về non sông Đất nước Việt Nam, nơi đã sinh ra những người con Anh hùng mang trong mình “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA ANH HÙNG PHI CÔNG VŨ XUÂN THIỀU
Liệt sỹ Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều là một người con của Hà Nội, khi đang theo học năm thứ 3 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã trốn gia đình viết đơn tự nguyện nhập ngũ ngay tại giảng đường và đi khám tuyển phi công. Trong nhật ký của ông có viết về tuyển phi công: “Tập quay tròn để khám tuyển phi công!”. Ông chỉ thông báo cho gia đình minh biết khi đã được trúng tuyển đợt đào tạo phi công do Quân chủng Phòng không – Không quân tuyển. Và từ đó ông đã cố gắng học tập và đào tạo tại Liên Xô để trở về phục vụ cho Tổ quốc vào năm 1968. Để tìm hiểu thêm thông tin về liệt sỹ Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều, các cháu cháu có thể tìm hiểu trong bảo tàng không gian nhân dân Việt Nam.
CUỐN NHẬT KÝ “HẠ B-52”
Sau đây bác sẽ trích dẫn nguyên văn thông tin ghi trong cuốn sách nhật ký Hạ B-52 của đồng đội ghi lại:
“Theo tin tình báo, đêm 28-12, lúc 21g30 – 23g50, sẽ có 50 lần/chiếc B-52 vào đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Bộ Tư lệnh không quân yêu cầu tất cả các sở chỉ huy và các đơn vị trực chiến phải theo dõi chặt chẽ và sẵn sàng cất cánh chiến đấu. Trong khi đó, phi công Vũ Xuân Thiều trực ban chiến đấu tại sân bay Cẩm Thủy; phi công Đinh Tôn trực ban chiến đấu ở sân bay Nội Bài đã sẵn sàng. Ngày 28 tháng 12 năm 1972, lúc 21g41, Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh từ sân bay dã chiến Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá (người trực chỉ huy tại sân bay Cẩm Thủy là đại tá, phi công Hoàng Biểu, một trong những phi công bay đêm dày dạn kinh nghiệm).
Lúc 21g52, Sc B-1 (Thọ Xuân) lệnh Thiều vòng phải, bay hướng 360 độ, thông báo mục tiêu phía trước 50 độ, cự ly 15 km, nhưng do nhiễu quá nặng, Vũ Xuân Thiều vẫn chưa phát hiện được mục tiêu. Lúc này tại sở chỉ huy, sĩ quan dẫn đường trên hiện sóng rađa Trần Xuân Mão, bằng kinh nghiệm của mình đã phát hiện chấm trắng đục giữa nền nhiễu, anh khẳng định đó là B-52, chúng đã đổi hướng, bay ngược lên Sơn La rồi mới vòng xuống đánh phá Hà Nội. Sở chỉ huy lập tức lệnh Thiều vòng phải gấp, bay hướng 90 độ, qua Sầm Nưa, lên hướng bắc đuổi theo tốp B-52 đang bay về hướng Nà Sản, Sơn La.
Lúc 21g58, khi đến Sơn La, Vũ Xuân Thiều phát hiện mục tiêu, anh lập tức báo cáo và tăng tốc độ bám sát. Trong bầu trời tối đen, rađa lại bị nhiễu rất nặng nên rất khó phán đoán cự ly, Thiều phán đoán cự ly bằng mắt, theo tín hiệu đèn hàng hành của B-52. Lúc này tại sở chỉ huy tiền phương phó tư lệnh Trần Mạnh nhắc: “046 bật công tắc bắn cả loạt, kiên quyết tiêu diệt địch”. Phi công Vũ Xuân Thiều trả lời: “046 nghe rõ!”. Ông đã phóng cả hai quả đạn tên lửa nhưng chưa hạ được nó. Một phút sau, Sở chỉ huy hỏi: “046 công tác tốt không?” nhưng không nghe trả lời. Điện đàm liên tục tiếng gọi: “Sông Mã gọi 046” nhưng đều không phản hồi. Tất cả cán bộ, chiến sỹ tại Sở chỉ huy tim như ngừng đập. Phó Tư lệnh Trần Mạnh và Trần Hanh lóe lên suy nghĩ có thể do cự ly quá gần do ban đêm khó ước lượng bằng mắt, sau khi phóng hai tên lửa trúng mục tiêu nhưng chưa thể triệt hạ hoàn toàn mục tiêu, máy bay của Thiều đã lao vào chiếc B-52 và anh dũng hy sinh. Đây là chiếc B-52 thứ hai bị hạ bởi Không quân Nhân dân Việt Nam.
Tuy được ghi nhận đã hạ B-52 nhưng Vũ Xuân Thiều không được truy tặng danh hiệu ngay vì các cấp chỉ huy e ngại các phi công khác sẽ học theo lối tấn công “cảm tử” này, mà mỗi phi công chiến đấu thì phải đào tạo rất lâu dài mới có được. Tới tháng 12 năm 1994, ông đã được Chính phủ Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.”
NHỮNG DÒNG THƯ CÒN ĐANG DANG DỞ
Lá thư ngày 21-12-1972, Vũ Xuân Thiều đang viết dở thì có lệnh triển khai chiến đấu. Thư có đoạn:
“Bố mẹ thân yêu! Qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề vì phải đứng nhìn lửa đạn hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà Nội, con thấy uất ức lắm vì chưa làm được gì. Con nghĩ bây giờ không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà của mình, cũng không có quyền nghĩ đến bản thân…”.
Liệt sỹ Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều với lòng quyết đoán và mạnh mẽ đã hi sinh anh dũng khi vừa tròn 27 tuổi để hạ máy bay B-52 trên chiếc máy bay MiG-21 cho Tổ quốc, đồng bào. Sau đây, bác sẽ trích vài lời kể về Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều qua những người thân, đồng nghiệp của ông:
“Đấy là một con người trí thức, dáng dấp rất “trai Hà Nội”, sống hòa đồng, hiền hậu, thông minh. Một con người sống bằng nội tâm. Tư cách thì vừa như thanh niên thành phố lại như thanh niên huyện” (Hà Quang Hưng, đồng đội cùng đoàn bay MiG-21 khóa 3).
“Năm Thiều lên hai tuổi bị một mụn nhọt rất to ở sau lưng, dân gian vẫn gọi là “hậu bối” – vị trí rất nguy hiểm -hành hạ. Thiều sốt liên tục mấy ngày liền, tôi phải bế em ấp vào người cho khỏi đau nhưng tuyệt nhiên em không kêu khóc”. (Đại tá Vũ Xuân Thăng, anh hai của Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều)
Xin được khép lại câu chuyện về Liệt Sỹ Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều tại đây, qua câu chuyện này bác hi vọng các cháu sẽ tìm hiểu thêm nữa để hiểu về ý chí, lòng dũng cảm của những người con Anh hùng Việt Nam, qua đó thêm tự hào về Tổ quốc ta.
…
(Còn tiếp)
Những bài viết về Vũ trụ sẽ được đăng tải tiếp trong kì tới. Mong các cháu đón đọc
(Tác giả Phạm Bình)