Huy động tối đa nguồn lực của toàn xã hội trong việc ứng dụng Công nghệ vũ trụ

Tham luận của Ông Phạm Gia Vinh, Chủ tịch công ty Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Đông Giang tại Đại hội VASA lần thứ 4, ngày 07/11/2020.

Ông Phạm Gia Vinh, Chủ tịch công ty Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Đông Giang trình bày tham luận tại Đại hội

Kính thưa Đoàn Chủ tịch

Kính thưa quý vị đại biểu

Tôi rất vinh dự được phát biểu trước các thày, các nhà khoa học danh tiếng và các doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực hàng không vũ trụ nói riêng và khoa học công nghệ nói chung.

Sự có mặt của cá nhân tôi ngày hôm nay tại đây cũng chính là nhờ sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ và công nghiệp hàng không vũ trụ, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tư nhân, những nhà sáng chế không chuyên và bán chuyên đang mong mỏi được đóng góp trí lực và tài lực để Việt Nam dần khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

Khoa học công nghệ vốn là nền móng bền vững nhất cho phát triển kinh tế xã hội. Và một trong những đỉnh cao của khoa học công nghệ chính là khoa học, công nghệ vũ trụ.

Nhận thấy tầm quan trọng và xu thế phát triển của công nghệ vũ trụ, từ năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”, và nhờ vậy, đến nay, các mục tiêu của Chiến lược về cơ bản đã hoàn thành.

Chiến lược cũng đã khẳng định việc khai thác và sử dụng không gian vũ trụ là đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, theo Công pháp Quốc tế, vùng không gian vũ trụ là vùng không gian phi chủ quyền, nên mọi chủ thể đều có thể khai thác và sử dụng vùng không gian này để cung cấp các dịch vụ xuyên quốc gia (như viễn thông, kết nối internet, viễn thám, du lịch…). Một ví dụ cụ thể nhất là việc công ty tư nhân Space X của tỉ phú Elon Musk đã phóng thành công tên lửa có người lái lên trạm vũ trụ ISS.

Sự kiện này diễn ra khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ mạnh mẽ trong thời đại thông tin không biên giới. Và vì thế, các phát minh sáng chế và các nghiên cứu khoa học liên quan đến hàng không – vũ trụ sẽ tiếp tục nở rộ. Nếu chậm chân, hoặc chúng ta phải đối mặt với việc trả phí bản quyền cao, hoặc chúng ta chấp nhận tiếp cận muộn hơn so với các quốc gia sở hữu chúng.

Ngày hôm nay, Đại hội Hội hàng không vũ trụ Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức, trùng với thời điểm kết thúc chiến lược 15 năm lần thứ nhất, hướng tới chiến lược 15 năm lần thứ hai và với tầm nhìn xa hơn nữa. Tôi kính mong Hội hàng không vũ trụ Việt Nam đóng góp những ý kiến chuyên môn, tham mưu cho Chính phủ để tiếp nối chiến lược 15 năm lần thứ nhất với những thay đổi cần thiết trong tình hình mới của ngành khoa học công nghệ và công nghiệp vũ trụ thế giới.

“Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” đã thể hiện quan điểm chỉ đạo cần phải “phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ con người Việt Nam” bằng cách “huy động tối đa nguồn lực của toàn xã hội trong việc ứng dụng Công nghệ vũ trụ” để phục vụ nhiệm vụ “bảo vệ Tổ quốc theo đúng phương châm kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với nhiệm vụ an ninh – quốc phòng”. Và đến nay, với xu hướng tư nhân hóa công nghệ và công nghiệp vũ trụ trên thế giới, việc khai thác và sử dụng không gian vũ trụ sẽ ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn, và điều này có khả năng gây tác động trực tiếp đến chính trị, kinh tế và xã hội trong nước một cách tích cực và cả tiêu cực. Vì vậy, chúng ta càng cần phải phát huy và hiện thực hóa quyết liệt bằng cách xã
hội hóa tối đa các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và công nghiệp Vũ trụ. Như vậy, chúng ta không chỉ “phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ người Việt Nam” mà chúng ta còn huy động được tối đa nguồn tài lực trong xã hội.

Và để huy động được tài lực, trí lực toàn dân, chúng ta cần có các cơ chế để Nhà nước đặt hàng – toàn dân cùng làm. Không nên coi hàng không – vũ trụ là lĩnh vực liên quan tới an ninh – quốc phòng, chỉ một vài đơn vị được phép tiếp cận. Chúng ta đã xã hội hóa và tư nhân hóa phát thanh, truyền hình, viễn thông, gần đây nhất là sản xuất điện và hiện Chính phủ cũng đã có chỉ đạo khẩn trương xây dựng cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải. Hay như chúng ta đã có các hãng hàng không tư nhân. Vậy tại sao chúng ta không xã hội hóa được nghiên cứu, phát triển, chế tạo công nghệ vũ trụ?

Với những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực công nghệ và công nghiệp mới như các công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghiệp ô tô, thì tôi tin chắc nếu được tạo hành lang pháp lý rõ ràng và được sự kêu gọi tham gia vào nghiên cứu, chế tạo với các đơn đặt hàng từ Nhà nước, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những bước nhảy ngoạn mục của ngành khoa học, công nghệ và công nghiệp hàng không – vũ trụ.

Bên cạnh những tập đoàn kinh tế tư nhân, chúng ta cũng không thể không nhắc tới rất nhiều nhà khoa học và trí thức trẻ người Việt đang công tác và hoạt động trong nước và ngoài nước có khát vọng được cống hiến trên một sân chơi công bằng minh bạch, được cạnh tranh bằng thưc lực và kết quả.

Cá nhân tôi cũng đã tham gia trực tiếp vào một số dự án trong lĩnh vực hàng không – vũ trụ. Trong đó có việc nghiên cứu chế thử tổ hợp máy bay không người lái tốc độ cao, nghiên cứu chế tạo khí cụ bay tầng bình lưu và nghiên cứu chế tạo động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu lỏng Oxy – Methane. Trong suốt thời gian thực hiện các dự án này, mong muốn lớn nhất của tôi là mang được các công nghệ đó về Việt Nam để được đóng góp một dấu chấm xây lên nền móng của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Việt Nam.

Xin phép được trích dẫn câu nói của đồng chí Võ Văn Tuấn – Nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khi đến kiểm tra đề tài “Nghiên cứu – Chế tạo khinh khí cầu với tuyến hình tối ưu” do phó GS-TS Nguyễn Minh Xuân, học viện Kỹ thuật Quân sự làm chủ nhiệm mà tôi được may mắn cộng tác. “Với thành công này chúng ta đã đặt một dấu chấm lên bản đồ thế giới, nhưng không phải là dấu chấm hết mà là một dấu chấm than khẳng định là chúng ta làm được và chúng ta sẽ làm tốt hơn”.

Tôi trân trọng cảm ơn, kính chúc quý vị sức khỏe và chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

(Ông Phạm Gia Vinh, Chủ tịch công ty Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Đông Giang)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *