Tàu thăm dò Aditya-L1 của Ấn Độ đã đi vào quỹ đạo mặt trời sau hành trình kéo dài 4 tháng, đánh dấu thành công mới nhất cho tham vọng thám hiểm không gian của quốc gia này.
Phi thuyền Aditya-L1 của Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) đã được phóng vào ngày 2.9.2023 và đang mang theo một loạt thiết bị để đo và quan sát các lớp ngoài cùng của mặt trời, theo mạng truyền hình Aljazeera.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Ấn Độ Jitendra Singh ngày 6.1 thông báo trên mạng xã hội rằng tàu thăm dò Aditya-L1 đã tiến đến quỹ đạo cuối cùng của nó “để khám phá những bí ẩn về mối liên hệ giữa mặt trời và trái đất”.
“Ấn Độ tạo ra một cột mốc khác. Đó là minh chứng cho sự cống hiến không ngừng nghỉ của các nhà khoa học chúng tôi trong việc thực hiện một trong những sứ mệnh không gian phức tạp nhất”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên mạng xã hội X ngày 6.1.
Trong khoảng thời gian 4 tháng qua, phi thuyền Aditya-L1 đã thực hiện hành trình khoảng 1,5 triệu km, một phần rất nhỏ của khoảng cách trái đất-mặt trời là 150 triệu km.
Các nhà khoa học Ấn Độ hy vọng có thể tìm hiểu thêm về hiệu ứng của bức xạ mặt trời đối với hàng ngàn vệ tinh đang trong quỹ đạo quanh trái đất. Về lâu dài, dữ liệu từ nhiệm vụ có thể giúp hiểu hơn về tác động của mặt trời lên khí hậu trên trái đất và nguồn gốc của gió mặt trời – những luồng phân tử tỏa ra từ mặt trời có thể gây nhiễu động trên trái đất thường được nhìn thấy và gọi là cực quang.
Các cơ quan không gian của Mỹ và châu Âu đã phóng nhiều phi thuyền đến trung tâm hệ mặt trời. Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã thực hiện các sứ mệnh quan sát mặt trời từ quỹ đạo quanh trái đất.
Tuy nhiên, sứ mệnh mới nhất của IRSO là sứ mệnh đầu tiên của bất kỳ quốc gia châu Á nào được đưa vào quỹ đạo quanh mặt trời, theo Aljazeera.
(Theo Thanh Niên)