Nằm bên dưới châu Phi và Thái Bình Dương ở trong cùng lớp phủ Trái đất, bao quanh lõi Trái đất, có hai đốm màu khổng lồ chiếm khoảng 3-9% thể tích Trái đất.
Con người hiện nay chưa tìm ra cách nào trực tiếp để nhìn thấy lõi Trái đất. Hố sâu nhất mà các nhà khoa học từng đào – được mệnh danh là “lối vào địa ngục” – đạt tới 12.263m. Và dĩ nhiên vẫn còn một chặng đường dài để xuyên thủng lớp vỏ Trái đất đến các lớp sâu bên trong.
Tuy nhiên, theo trang The Nature, các nhà khoa học có thể quan sát bên dưới bề mặt khá hiệu quả bằng cách thông qua các trận động đất, họ sử dụng một kỹ thuật được gọi là chụp cắt lớp địa chấn.
Khi động đất xảy ra, sóng năng lượng được gửi đi theo mọi hướng. Nhờ đo các chấn động từ một số vị trí trên bề mặt, các nhà khoa học có thể tạo ra một bản đồ bên trong Trái đất.
Vì đá và chất lỏng trong Trái đất có mật độ khác nhau nên sóng di chuyển qua chúng với tốc độ khác nhau, cho phép các nhà địa chất tìm ra loại vật chất mà sóng truyền qua.
Khi kỹ thuật này còn mới, ở khu vực châu Phi và Thái Bình Dương các nhà khoa học phát hiện hai cấu trúc lớn kỳ lạ được gọi là siêu lớp (LLSVP). Ở những khu vực này, còn được gọi là “đốm màu”, sóng di chuyển chậm hơn so với lớp phủ xung quanh.
Nghiên cứu ở châu Phi, khu vực đốm màu gọi là “Tuzo” có chiều cao khoảng 800km, tương đương với độ cao của khoảng 90 đỉnh núi Everest.
Vậy chúng là gì? Thật không may, các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn biết chắc chắn, và họ tạm đưa ra vài ý tưởng hợp lý.
Một giả thuyết hàng đầu là LLSVP là những đống vỏ đại dương đã bị hút chìm và tích tụ trong hàng tỉ năm.
Một giả thuyết khác thú vị hơn, đó là các mảnh ghép của một hành tinh cổ đại.
Theo giả thuyết, Theia là một hành tinh có kích thước bằng sao Hỏa va vào Trái đất khoảng 4,5 tỉ năm trước. Và các đốm màu là các mảnh của Theia: lớp phủ dày đặc hơn từ hành tinh nguyên sinh này đã trộn lẫn với Trái đất trong vụ va chạm.
Vào năm 2021, một nhóm đã lập mô hình mô phỏng kịch bản, phát hiện ra rằng lớp phủ của Theia có thể tồn tại nếu nó dày hơn từ 1,5-3,5%.
Các nhà khoa học hy vọng với những kỹ thuật điều tra sâu trong lòng Trái đất liên tục được cải thiện, tương lai không xa họ có thể kết luận chính xác những đốm màu khổng lồ bí ẩn sâu trong Trái đất thực chất là gì.
(theo Tuổi trẻ)