Tàu vũ trụ Orion thuộc sứ mệnh Artemis 1 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đạt được mốc quan trọng trong quá trình thực thi sứ mệnh xung quanh mặt trăng.
Hôm 28.11 (giờ Mỹ), tàu Orion ở cách trái đất khoảng 430.000 km, mức xa nhất mà một tàu du hành được thiết kế chở người có thể đạt đến.
Trong sứ mệnh Artemis 1, phi hành gia chưa có mặt trên tàu Orion, mà thay vào vị trí của họ là 3 hình nộm trong trang phục đầy đủ, cho phép ghi nhận những số liệu trên cuộc hành trình.
Nếu NASA có thể hoàn tất sứ mệnh Artemis 1 mà không xảy ra sự cố, các nhà du hành vũ trụ sẽ có mặt trong chuyến bay kế tiếp trong vòng 2 năm nữa.
Kỷ lục vừa thiết lập hôm 28.11 cho thấy NASA đã đi được nửa chặng đường trong nỗ lực đưa con người quay lại mặt trăng sau 50 năm vắng bóng.
Trong cuộc hành trình, tàu Orion đã truyền về trái đất một số hình ảnh và video clip ấn tượng. Trước khi đạt được bước ngoặt mới nhất, con tàu chụp ảnh mặt trăng ở phía trước trái đất.
Current Time0:00/Duration1:59 |
Artemis – sứ mệnh mặt trăng mới của NASA vì sao quan trọng? |
Ngày 16.11, NASA đã phóng tên lửa đẩy SLS, cao 98 m, mang theo phi thuyền Orion, rời khỏi bệ phóng ở Mũi Canaveral (bang Florida, Mỹ). Sứ mệnh Artemis 1 sẽ kéo dài 26 ngày nhằm đánh giá các hệ thống trên tàu và đảm bảo rằng Orion an toàn để chở người cho chuyến hành trình đến mặt trăng.
Trước khi quay về trái đất vào ngày 11.12, tàu Orion sẽ thực hiện hai cuộc điều chỉnh để đưa con tàu vào đúng cuộc hành trình quay lại địa cầu.
Ông Howard Hu, người đứng đầu chương trình tàu du hành mặt trăng Orion của NASA, dự báo con người đang trên đường tiến tới mục tiêu sinh sống và làm việc trên mặt trăng trước khi kết thúc thập niên hiện tại.
(theo Thanh Niên)