Được công nhận rộng rãi là một trong những lý thuyết miêu tả toàn diện lực hấp dẫn của vật lý hiện đại và là nền tảng lý giải cho sự vận hành của Vũ trụ, thuyết tương đối tổng quát do nhà vật lý Albert Einstein công bố vào năm 1916 tạo đột phá khi liên hệ mối tương quan giữa không gian, thời gian và vật chất hoặc năng lượng. Phát biểu nổi tiếng của Einstein: “Nếu tất cả vật chất biến mất thì không – thời gian cũng biến mất theo” tác động đến toàn thể khái niệm về thế giới quan xung quanh chúng ta và lời tuyên bố của Stephen Hawkin khi cho rằng thời gian có liên quan đến entropi (trạng thái động lực học) vĩ mô khiến không thời gian từ một khái niệm dễ dàng cảm nhận và đo đạc trở thành vô hình và mơ hồ.
Những suy nghĩ kỳ lạ được biểu đạt bởi hàng loạt câu hỏi hóc búa như: Liệu chúng ta có đang tồn tại; Sự tồn tại của loài người nói chung và của cá nhân mỗi người nói riêng có tác động đến mức độ nào của không thời gian; nếu “Trình tự của thời gian” trôi từ quá khứ đến hiện tại và hướng về tương lai do sự vận động không ngừng của thế giới vật chất từ vi mô đến vĩ mô, và chỉ các vật chất/sự kiện có mối quan hệ nhân quả hoặc tương tác với nhau sẽ có cùng một trình tự thời gian, và thời gian sẽ không tồn tại nếu một sự kiện là ngẫu nhiên và diễn ra độc lập, trong trường hợp đó sẽ có vô vàn thước đo thời gian ứng với góc quan sát ở các tầng không gian khác nhau. Giả sử Chân trời sự kiện là có thật và có vật chất thoát ra được khỏi chân trời sự kiện thì liệu vật chất ấy sẽ xuất hiện tại thời điểm/nơi vật chất lọt vào chân trời sự kiện hay tại thời điểm quan sát hoặc tương lai theo trình tự thời gian của loài người chúng ta.
Ở khía cạnh ngược lại, trước năm 1543, toàn thể các nhà khoa học cổ đại thời đó và các nhà viết Kinh Thánh vẫn cho răng Trái đất là trung tâm của Vũ trụ. Cho đến khi được đề cập lần đầu tiên bởi nhà thiên văn học người Ba Lan, Nicolaus Copernicus, người được xem là cha đẻ của thiên văn học hiện đại, rằng Trái Đất và các hành tinh khác xoay quanh Mặt Trời và Trái đất có các mùa luân phiên do cơ chế tự quay quanh trục của nó. Giả sử lý thuyết tương đối tổng quát là chính xác và giả thuyết về Điểm kì dị với khối lượng vô cùng dẫn đến lực hấp dẫn cực hạn khiến thời gian đóng băng, nếu chúng ta có thể quan sát từ điểm kì dị thì liệu chúng ta của bây giờ đang là hiện tại hay là quá khứ của chính chúng ta và liệu rằng chúng ta có đang thực sự tồn tại độc lập không theo một trình tự thời gian đã được sắp xếp. Hay chúng ta chỉ là một phiên bản trong vô vàn Vũ trụ song song như học thuyết đa Vũ trụ ra đời bởi Everet Hugh vào năm 1957.
Tuy nhiên dù đáp án là thế nào đi chăng nữa, rõ ràng lịch sử loài người đã gặt hái được vô số thành tựu vĩ đại, đưa loài người nhỏ bé sơ khai đến làm chủ được địa cầu, phát triển khoa học công nghệ và xây dựng được một nền văn hóa xã hội hoàn chỉnh và văn minh. Từ sự ra đời của cơ học lượng tử hiện đại vào năm 1925, nền móng của các tiến bộ khoa học công nghệ ngày nay cũng như khai sinh ra Internet vào cuối thế kỷ 20; Đến việc ra đời của bom nguyên tử và năng lượng hạt nhân tiềm năng cho nguồn năng lượng vô hạn trong tương lại; cùng hàng loạt phát minh xây dựng và phát triển nền nông nghiệp, công nghiệp, thương mại sản xuất ngày nay. Sau nhiều thăng trầm và thay đổi từ thời Trung cổ đến các mô hình xã hội từ mô hình đế quốc-phong kiến đến tư bản và xã hội chủ nghĩa, quyền con người được đề cao và xã hội ngày càng hướng đến công bằng-bình đẳng.
Mặc dù con người đối với Vũ trụ vô cùng nhỏ bé và đời người so với chuỗi chiều dài lịch sử của Vũ trụ càng ngắn ngủi, cũng như khái niệm không thời gian mơ hồi càng thách thức vị trí và vai trò của con người, vấn đề quan trọng là tập trung vào thực tại mà bạn đang trải nghiệm, hãy phấn đấu và đảm bảo rằng trải nghiệm này là có ý nghĩa.
…
(Còn tiếp)
(Tác giả: Đình Long, Bài dự thi Viết về Vũ trụ)