Chuyện về Phi công Vũ trụ Phạm Tuân và các Phi hành gia (phần 1)

Lời của tác giả

Đã là một người đam mê và hứng thú về Vũ trụ, bác tin chắc rằng các cháu Thanh thiếu niên sẽ không ít hơn một lần mơ ước được trở thành phi hành gia để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Vũ trụ, được trực tiếp đi trên sao Hoả, v.v. Với kỳ vọng Đất nước chúng ta sẽ có thêm nhiều phi hành gia bay vào Vũ trụ, qua câu chuyện hôm nay bác sẽ giúp các cháu trả lời cho câu hỏi:

                        “Làm sao để trở thành phi hành gia?”.

Vì đã may mắn có nhiều dịp trao đổi với Anh hùng phi công Vũ trụ Phạm Tuân, một số phi hành gia Nga, đặc biệt còn có chuyên gia huấn luyện tại Trung tâm đào tạo phi hành gia của NASA; bác muốn chia sẻ những thông tin cơ bản với các cháu Thanh thiếu niên – những “công dân Vũ trụ tương lai”. Sau đây bác sẽ chia sẻ với các cháu về các tiêu chí để trở thành phi hành gia Vũ trụ, những câu chuyện của bác Anh hùng phi công Vũ trụ Phạm Tuân. Đặc biệt, cuối bài còn có một bài tập giúp các cháu có thể tự đánh giá khả năng để trở thành ứng viên “câu lạc bộ” phi hành gia; các cháu hãy tìm hiểu cùng bác nhé!

Ảnh các phi hành gia nghiên cứu bên ngoài Vũ trụ

1. Tiêu chí

Chia sẻ về việc tìm chọn phi công Vũ trụ những chuyên gia thuộc trung tâm huấn luyện của NASA cũng đưa ra chung một kết luận rằng đó là cả quá trình “Đãi cát tìm vàng”. Để trở thành phi hành gia có khá nhiều tiêu chí và điều kiện cũng vô cùng khắt khe. Trong đó có hai nhóm tiêu chí lớn là sức khoẻ và kiến thức. Điều kiện ban đầu sơ tuyển của NASA chọn khi phi hành gia là: Người thuộc quân đội, có bằng Khoa học Vật lý, Vật lý Thiên văn, Cơ học Không gian, Khoa học vật liệu, các ngành Khoa học công nghệ và Toán học. Thị lực, huyết áp, hệ thống thần kinh tốt, lớn hơn 1000 giờ bay phản lực trực tiếp trên cương vị phi công lái chính.

Ảnh các phi hành gia NASA được huấn luyện trên tàu Vũ trụ mô phỏng
Ảnh các phi hành gia NASA được huấn luyện trên tàu Vũ trụ mô phỏng

Ngoài các yêu cầu về kiến thức, điều kiện về sức khoẻ vẫn nắm vai trò quan trọng không kém. Tiêu chí kiểm tra sức khoẻ ban đầu để được xét tuyển gồm rất nhiều bài kiểm tra khác nhau, nhưng có một số bài kiểm tra căn bản trước tiên như là đứng trên bàn quay nhào lộn với tốc độ tăng dần đều, đứng vào trong lồng hình cầu quay lộn “tự do” không quy luật, hay ngồi trên ghế trói chặt và quay tít với tốc độ cao và rất cao. Sau đó các ứng cử viên sẽ được đo nhịp tim, huyết áp lưu thông máu trên não và đặc biệt là hệ thần kinh tiền đình; dựa trên kết quả bài kiểm tra ban đầu như trên cũng đủ đánh giá sơ bộ được khả năng và tố chất ứng viên.

Ảnh huấn luyện xoay Parabol
Ảnh huấn luyện xoay Parabol

Mỗi khoá huấn luyện tại trung tâm của NASA tại Texas, Mỹ có tổng cộng khoảng hai trăm ứng viên cả nam và nữ; và quá trình đào tạo là hai năm. Trong quá trình đào tạo và lựa chọn, ứng cứ viên có kết quả tốt nghiệp ưu tú mới được lọt vào danh sách phi hành đoàn chính thức để tiếp tục đào tạo và huấn luyện nâng cao theo yêu cầu từng dự án của NASA

Ảnh các phi hành gia của NASA
Ảnh các phi hành gia của NASA

2. Những chia sẻ của bác Phạm Tuân trong việc tuyển chọn phi hành gia

Trong chương trình hợp tác với cơ quan Hàng không Vũ trụ Liên Xô, Việt Nam dự tính sẽ tuyển chọn bốn ứng cử viên phi công Vũ trụ. Nhưng qua quá trình tuyển nhiều vòng Việt Nam chỉ chọn được ba người trong 300 phi công dự tuyển. Bác Tuân chia sẻ rằng: “Ban đầu danh sách chọn không có tên tôi. Do thiếu một người nên tôi được gọi bổ sung; khi đó tôi đang học tại Học viện Không quân Gagarin”. Trong số 04 ứng viên của Việt Nam đào tạo tại trung tâm Vũ trụ Liên Xô vòng cuối cùng chỉ còn hai người là phi công Bùi Thanh Liêm và bác Phạm Tuân, họ được đào tạo song song nhưng hoàn toàn độc lập.

Bài kiểm tra cuối cùng của bác Bùi Thanh Liêm và bác Phạm Tuân được diễn ra như sau, hai bác được đặt ngồi trên một cổ ghế đóng kín bằng khuôn vật liệu và đặt ở chế độ quay tốc độ siêu cao. Kết quả là bác Phạm Tuân chịu đựng được đến phút thứ 15 và bác Bùi Thanh Liêm chỉ chịu được dưới 10 phút. Vì có kết quả tốt là 15 phút nên bác Phạm Tuân đã chính thức được lựa chọn vào đội hình bay chính thức.

Hình ảnh phi công Vũ trụ Gorbatko và Anh hùng phi công Vũ trụ Phạm Tuân
Hình ảnh phi công Vũ trụ Gorbatko và Anh hùng phi công Vũ trụ Phạm Tuân

3. Bài tự đánh giá khả năng

Bác Phạm Tuân có “bật mí” một bài tập giúp ta có thể tự đánh giá khả năng của chính mình. Các cháu có thể tự thực hành theo và đánh giá khả năng của chính mình xem có thể trở thành một ứng cử viên sáng giá trong tương lai của “câu lạc bộ” phi hành gia hay không nhé. Các cháu thực hiện bằng cách hãy đứng 1 chỗ, lấy chân làm trụ, mặt ngửa lên trời, giơ cao thẳng ngón tay, phải cho ngón tay thẳng đứng trên đầu và bắt đầu “quay tít” quay càng nhanh càng tốt các cháu nhé. Hãy luyện tập bài này từ thấp đến cao các cháu nhé, lần đầu khoảng 20 phút rồi hãy tăng dần lên 30 phút, 40 phút, 50  phút, 60 phút rồi dừng đột ngộ bước đi thẳng tắp trên 1 đường kẻ thẳng “không được chuyệnh choạng, không ngã, phải đi thẳng vạch”. Bài tập này sẽ giúp kiểm tra về hệ thần kinh tiền đình của các cháu có vững và tốt không, vì hệ thần kinh tiền đình là yếu tố quan trọng quyết định trong việc xét tuyển phi hành gia.

Bài tập đơn giản đúng không các cháu? Hãy thử thực hành nhé; ngay khi các cháu đã kết quả hãy thông báo cho VASA được biết, VASA rất sẵn lòng để hỗ trợ các cháu thêm thông tin về các bài tập, bài kiểm tra khả năng trở thành phi hành gia tiếp theo.

….

(Còn nữa)

Các bài huấn luyện phi hành gia còn nhiều điều thú vị nữa như là huấn luyện dưới nước! Các cháu hãy đón đọc nhé bác sẽ chia sẻ thêm trong bài viết lần tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *