Không nên giữ cái nhìn “cổ hủ” kiểu “ốc vít xe đạp cũng không làm được”, Việt Nam giờ đã khác.
Đó là nhận định của GS. TSKH Nguyễn Đức Cương – nguyên Chủ tịch Hội Hàng không – Vũ trụ Việt Nam (VASA) trước thông tin Công ty Thông tin M3 (một thành viên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel) trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành hàng không vũ trụ toàn cầu.
Với thông tin này, Công ty Thông tin M3 sẽ là đơn vị cung ứng vật tư, linh kiện và thiết bị cho tập đoàn hàng không vũ trụ Meggitt có trụ sở chính tại nước Anh. Đây là tập đoàn chuyên nghiên cứu, thiết kế, phát triển, chế tạo và tích hợp các sản phẩm trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và năng lượng.
PV:- Ông có bất ngờ trước thông tin trên không và vì sao?
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: – Tôi không bất ngờ trước thông tin này. Một số người cứ nhìn nhận năng lực chế tạo của Việt Nam theo con mắt “cổ hủ” của cách đây hàng mấy chục năm, đó là “ốc vít xe đạp cũng không làm được”. Việt Nam bây giờ đã khác rất nhiều. Mặt khác cả công nghệ cũng đã phát triển rất khác rồi. Công nghệ CAD-CAM Việt Nam đã làm chủ từ lâu; công nghệ chế tạo bằng cách in 3D chúng ta cũng đã bắt đầu áp dụng; công nghệ 5G chúng ta là một trong ít nước dẫn đầu thế giới…
Vấn đề quan trọng tôi cho là khâu “ra đầu bài” (đặt hàng) và nghiệm thu sản phẩm, tích hợp vào cả hệ thống lớn (từng cụm chi tiết và kết nối lại thành sản phẩm hoàn chỉnh, đưa ra thị trường) mà đối tác đưa ra. Công ty M3 nói riêng và Tập đoàn Viettel nói chung có tổ chức chặt chẽ, nguồn nhân lực chất lượng cao, tôi tin chắc là sẽ làm được theo yêu cầu của Meggitt.
PV:- Trước đây, khi bàn về phát triển công nghiệp hàng không đã có ý kiến cho rằng, ngành công nghiệp hàng không – vũ trụ Việt Nam, là một ngành khoa học kỹ thuật hiện đại, mới mẻ ở nước ta. Để đi từ một nước lắp ráp sang chế tạo, đó là con đường rất dài … Nhưng đây có phải là tín hiệu tích cực cho thấy giấc mơ công nghiệp – vũ trụ hàng không Việt Nam đang ngày càng gần hơn, giấc mơ sẽ không còn chỉ là giấc mơ, thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: “Giấc mơ công nghiệp hàng không – vũ trụ Việt Nam”, theo tôi nếu muốn hiện thực hóa thì cần cân nhắc kỹ nhiều yếu tố như: nhu cầu thị trường, khả năng cạnh tranh, khả năng tài chính, nhân lực…
Có nhiều cách tiếp cận mục tiêu này, ví dụ như VINFAST, BPHONE, THACO… hoặc như TS Lương Việt Quốc – CEO của Real Time Robotics Inc – là người đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư vào khu công nghệ cao TP.HCM ( SHTP) để mở nhà máy sản xuất máy bay không người lái (drone) cất hạ cánh thẳng đứng (multicopter-drone), điều mà nhiều người vẫn cho là chỉ có trong chuyện viễn tưởng nhưng đã có người làm được.
PV:- Vậy để mục tiêu phát triển ngành công nghiệp hàng không – vũ trụ tiến xa hơn, theo ông chúng ta còn thiếu gì và cần phải làm thế nào?
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương:- Theo ý kiến cá nhân tôi, chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là một việc đáng mừng và đây cũng là một cách đi đến “giấc mơ công nghiệp hàng không – vũ trụ Việt Nam”. Tuy nhiên, theo con đường này thì còn rất lâu mới đạt được giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Như tôi vừa nói: trong chuỗi cung ứng, quan trọng là khâu “ra đầu bài” (đặt hàng) và nghiệm thu sản phẩm, tích hợp vào cả hệ thống lớn (thành từng cụm chi tiết và kết nối lại thành sản phẩm hoàn chỉnh). Mà xương sống của các khâu này chính là THIẾT KẾ: thiết kế ý tưởng —> thiết kế sơ bộ —>hình thành các yêu cầu kinh tế -kỹ thuật/chiến-kỹ thuật cho cả sản phẩm —> thiết kế kỹ thuật từng bộ phận và cả sản phẩm —-> thiết kế chi tiết (thiết kế thi công) —> chế tạo —> tích hợp-lắp ráp-thử nghiệm (IAT-integration -assembly-testing)—> đưa ra thị trường/ứng dụng chiến đấu. Các khâu này gắn bó chặt chẽ và có thể phải lặp lại và sửa đổi, kể cả ý tưởng ban đầu. Đây là một quá trình sáng tạo mặc dù có những tiêu chuẩn nhất định ví dụ hệ số an toàn của một số bộ phận có thể phải lớn hơn 5.
Ngoài kiến thức về kỹ thuật – công nghệ vững vàng, nhà thiết kế cần có các kiến thức tổng hợp về công nghệ chế tạo, về kinh tế, về thị trường… nhiều kiến thức không chỉ học ở trường, mà còn cần có kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, về nhân lực cao cấp chúng ta đang thiếu là các tổng công trình sư, hiện không có trường lớp nào đào tạo cả. Kỹ sư tốt nghiệp loại giỏi rồi, cần kinh qua thực tiễn từ thấp đến cao; kết hợp tự nghiên cứu phát triển (R&D) và hợp tác với nước ngoài như ở Trung tâm Vũ trụ Quốc gia như: tự thiết kế chế tạo vệ tinh picô, nanô rồi đến micrô, hợp tác với Nhật…
Các yếu tố về cơ sở vật chất cũng quan trọng nhưng nhân lực chất lượng cao vẫn là yếu tố quyết định. Đã có khá nhiều bài học về các thiết bị nhiều tỷ đồng bị “đắp chiếu”. Bài học của kỹ sư Trần Đại Nghĩa, đã sáng tạo ra các vũ khí hiện đại (so với thời bấy giờ) trong điều kiện kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc hết sức khó khăn, vẫn còn nguyên giá trị trong việc phát triển công nghiệp hàng không-vũ trụ.
Về đại thể, theo tôi, trong lĩnh vực dân dụng, chúng ta không thể cạnh tranh được với các hãng lớn như Boeing, Airbus,… tạo ra các phương tiện bay, chở nặng, bay cao, bay nhanh, bay xa v.v… nhưng có thể chiếm lĩnh thị trường ngách; bay chậm, bay thấp, cất hạ cánh thẳng đứng, thân thiện môi trường… Trong lĩnh vực dân dụng, nếu sản phẩm không cạnh tranh được thì không nên làm, chỉ để trưng bày và chứng minh khả năng là Việt Nam làm được mà thôi.
Ngày nay, với sự phát triển công nghệ, gần như chúng ta có thể làm rất nhiều thứ nhưng liệu có cạnh tranh được không mới là vấn đề cần suy nghĩ.
PV:- Cảm ơn ông!
(nguồn Đất Việt)