Tàu thám hiểm Chúc Dung sẽ ở trên bệ hạ cánh thêm vài ngày trước khi lăn bánh trên sao Hỏa để tìm kiếm dấu vết của nước băng.
Tàu thám hiểm trên sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc sẽ bắt đầu hoạt động trong tuần này nếu tất cả theo đúng kế hoạch. Robot 6 bánh nằm trong nhiệm vụ Thiên Vấn 1 của Trung Quốc hạ cánh xuống hành tinh đỏ vào sáng 15/5 (giờ Hà Nội) trên đồng bằng Utopia Planitia rộng lớn. Robot mang tên Chúc Dung vẫn ở trên bệ hạ cánh từ sau đó.
Tàu thám hiểm Chúc Dung sẽ dành 7 – 8 ngày đầu tiên trên bề mặt sao Hỏa để nghiên cứu môi trường xung quanh, kiểm tra các hệ thống và thiết bị, theo đại diện của Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc (CNSA). Theo lịch trình, tàu sẽ lăn bánh khỏi trạm đổ bộ và tiếp xúc với lớp bụi đỏ của sao Hỏa lần đầu tiên vào ngày 21/5 hoặc 22/5.
Phương tiện đồng hành cùng robot là tàu bay quanh quỹ đạo Thiên Vấn 1, hoàn thành một vòng quanh hành tinh đỏ sau 48 giờ. Nhưng gần đây con tàu đã điều chỉnh quỹ đạo xuống thấp hơn nhiều với chu kỳ 8,2 giờ, phù hợp hơn để truyền lượng lớn dữ liệu giữa tàu Chúc Dung và ban kiểm soát nhiệm vụ trên Trái Đất. Tàu được phóng lên ngày 23/7/2020, chỉ 4 ngày sau khi tàu bay quanh quỹ đạo sao Hỏa Hope của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cất cánh và một tuần sau, Tàu thám hiểm Perseverance của NASA cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự.
Tàu Thiên Vấn 1 tới quỹ đạo sao Hỏa vào ngày 10/2 năm nay. Tàu Chúc Dung tách khỏi Thiên Vấn 1 và rơi qua khí quyển hành tinh vào cuối tuần trước. Sau khi rời khỏi trạm đổ bộ, Tàu thám hiểm nặng 240 kg sẽ dành ít nhất 3 tháng để nghiên cứu địa chất và tìm kiếm băng chứa nước.
Tàu Thiên Vấn 1 được thiết kế để vận hành ít nhất một năm sao Hỏa, tương đương khoảng 687 ngày Trái Đất. Con tàu đầu tiên do Trung Quốc sản xuất hoàn toàn không chỉ đóng vai trò như trạm truyền dữ liệu mà còn trang bị camera độ phân giải cao để nghiên cứu khoáng chất.
(theo vnexpress)