Tháng 3 năm nay, Lực lượng Không gian Mỹ thông báo về một sự cố trên quỹ đạo liên quan đến vệ tinh Vân Hải 1-02. Đây là vệ tinh quân sự của Trung Quốc, được phóng lên quỹ đạo tháng 9.2019.
Vào thời điểm phát hiện, vệ tinh đã bị vỡ, nhưng không ai biết chuyện gì xảy ra. Theo một vài giả thuyết, có lẽ một vụ nổ đã xảy ra bên trong hệ thống đẩy của Vân Hải 1-02, hoặc cũng có thể nó va chạm với một thứ gì đó trên quỹ đạo.
Hiện đã có câu trả lời, theo trang Space.com hôm 17.8 dẫn thông tin từ nhà vật lý thiên thể Jonathan McDowell của Trung tâm Vật lý Thiên thể Harvard-Smithsonian tại thành phố Cambridge (bang Massachusetts, Mỹ).
Ngày 14.8, chuyên gia McDowell phát hiện thông tin cập nhật trên cổng thông tin Space-Track.org, theo đó ghi nhận “Vật thể số hiệu 48078, 1996-051Q: Va chạm với vệ tinh”. Điều này lập tức thu hút sự chú ý của chuyên gia Mỹ, vì trước đây chưa từng có ghi chú tương tự xuất hiện.
Sau khi tìm kiếm, ông McDowell phát hiện Vật thể 48078 là một mảnh rác vũ trụ, kích thước dao động từ 10 đến 50 cm, thuộc về tên lửa đẩy Zenit-2 đã đưa vệ tinh do thám Tselina-2 của Nga lên quỹ đạo vào tháng 9.1996.
Dữ liệu do chuyên gia Mỹ thu thập được cho thấy Vân Hải 1-02 chính là nạn nhân của rác tên lửa Nga. Vào 14 giờ 41 ngày 18.3 (giờ Việt Nam), Vật thể 48078 và Vân Hải 1-02 lướt qua nhau ở khoảng cách 1 km, có sai số. Đó cũng là thời điểm vệ tinh Trung Quốc bị vỡ.
Tính đến thời điểm hiện tại, ông McDowell cho biết đã ghi nhận tổng cộng 37 mảnh rác từ vụ va chạm, và nhiều khả năng vẫn còn có những mảnh khác chưa được phát hiện.
Bất chấp bị tổn hại, Vân Hải 1-02 vẫn “sống sót” sau vụ va chạm, diễn ra ở độ cao 780 km. Các thiết bị dò tìm thiết bị vô tuyến nghiệp dư vẫn phát hiện tín hiệu phát ra từ vệ tinh, nhưng không rõ Vân Hải 1-02 có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ban đầu của nó hay không. Phía Trung Quốc không cung cấp thông tin về vụ va chạm.
Chuyên gia McDowell gọi đây là sự cố nghiêm trọng nhất kể từ vụ va chạm trên quỹ đạo vào tháng 2.2009, khi một vệ tinh quân sự hết hạn sử dụng của Nga là Kosmos-2251 lao vào Iridium 33, một vệ tinh viễn thông. Tính đến tháng 10.2020, các chuyên gia đã ghi nhận và theo dõi 1.800 mảnh rác xuất phát từ vụ va chạm này.
(theo Thanh Niên)