Nghiên cứu mới cho thấy một cuộc chạm trán giữa Hệ Mặt trời và một ngôi sao đi ngang qua có thể đã làm thay đổi quỹ đạo Trái đất đủ để tàn phá khí hậu.
Khoảng 56 triệu năm trước, tại ranh giới giữa thế Paleocene (thế Cổ Tân) và thế Eocene (thế Thủy Tân), nhiệt độ Trái đất ấm lên tới 8⁰C.
Theo trang Science Alert, hiện tượng trên luôn là một câu đố với các nhà nghiên cứu. Một nghiên cứu mới của nhà khoa học hành tinh Nathan Kaib thuộc Viện Khoa học hành tinh và nhà vật lý thiên văn Sean Raymond thuộc Phòng thí nghiệm vật lý thiên văn Bordeaux (Pháp) cho rằng một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Hệ Mặt trời và ngôi sao đi ngang qua có thể là thủ phạm làm thay đổi quỹ đạo Trái đất.
Mô phỏng của họ cho thấy một ngôi sao đi ngang qua Hệ Mặt trời có thể đã gây ra sự gián đoạn đủ lớn cho quỹ đạo hành tinh để đẩy Trái đất đi chệch hướng một chút.
Ông Kaib nói: “Một lý do khiến điều này quan trọng là vì hồ sơ địa chất cho thấy những thay đổi về độ lệch tâm quỹ đạo của Trái đất đi kèm với sự biến động của khí hậu Trái đất. Nếu chúng ta muốn tìm kiếm tốt nhất nguyên nhân của những dị thường về khí hậu thời cổ đại, điều quan trọng là phải biết quỹ đạo Trái đất trông như thế nào trong những giai đoạn đó”.
Dựa trên hồ sơ địa chất, Trái đất đã ấm lên hơn 5⁰-8⁰C trong thời kỳ được gọi là Nhiệt tối đa Paleocene-Eocene. Những thay đổi mạnh mẽ về khí hậu Trái đất có thể tương quan với những thay đổi trong cách Trái đất quay quanh Mặt trời. Tuy nhiên, việc mô hình hóa sự phát triển quỹ đạo của Hệ Mặt trời theo thời gian là một điều khó khăn.
Hệ Mặt trời tương đối ổn định nhưng quỹ đạo có thể được điều chỉnh khá dễ dàng. Ví dụ, quỹ đạo của Trái đất thường xuyên bị các hành tinh khổng lồ kéo theo, tạo ra những thay đổi trong thời gian dài về độ lệch tâm quỹ đạo, độ nghiêng trục.
Hai ông Naib và Raymond cho biết các nghiên cứu trong tương lai về sự tiến hóa lâu dài của Hệ Mặt trời thực sự phải tính đến những ngôi sao qua đường này.
Họ viết trong bài nghiên cứu của mình: “Chúng tôi chứng minh rằng các cuộc chạm trán giữa các vì sao đóng một vai trò động lực quan trọng trong quá trình tiến hóa lâu dài của Hệ Mặt trời”.
(Theo Tuổi Trẻ)