Chỉ trong hơn một tuần, bộ đôi phi hành gia ISS đã thực hiện ba nhiệm vụ ngoài không gian để lắp đặt pin mặt trời thế hệ mới.
Các kỹ sư Shane Kimbrough từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Thomas Pesquet từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) hôm 25/6 đã hoàn thành chuyến đi bộ ngoài không gian kéo dài 6 giờ 45 phút để lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời thế hệ mới iROSA thứ hai trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Cặp đôi này trước đó đã thực hiện hai nhiệm vụ tương tự vào ngày 16/6 và 20/6 để triển khai tấm pin mặt trời đầu tiên.
Tấm iROSA thứ hai được lắp đặt đối diện với tấm iROSA thứ nhất ở ngoài cùng (bên trái) của giàn pin mặt trời mới. Hệ thống này có kích thước nhỏ hơn hệ thống pin mặt trời hiện có của ISS nhưng có khả năng chuyển đổi năng lượng cao hơn. Chúng được làm từ vật liệu composite nhẹ, dẻo và có thể cuộn lại gọn gàng.
Tấm iROSA thứ hai sau khi triển khai. Ảnh: NASA TV.
Hệ thống iROSA khi hoàn thành gồm tổng cộng 6 tấm pin mặt trời. Mỗi tấm dài 19 m, rộng 6 m và có tuổi thọ thiết kế 15 năm. Khi hoạt động song song với hệ thống năng lượng cũ, chúng giúp tăng khả năng cung cấp điện từ 20% đến 30%, đáp ứng cả hoạt động thường ngày và các dự án nghiên cứu khoa học trên ISS.
Ngoài ra, iROSA còn đóng vai trò như một nguyên mẫu thử nghiệm cho dự án Artemis Gateway – trạm vũ trụ trên quỹ đạo Mặt Trăng của NASA, dự kiến được phóng lên vào năm 2024. Các tấm pin mặt trời của Artemis Gateway cũng sử dụng công nghệ tương tự như hệ thống iROSA trên ISS nhưng có kích thước lớn hơn.
Nhiệm vụ hôm 25/6 là lần thứ năm cặp đôi Kimbrough và Pesquet thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian cùng nhau và là lần thứ 241 của các phi hành gia trên ISS cho đến nay để bảo trì, lắp ráp và nâng cấp trạm.
(theo vnexpress)