Các nhà thiên văn học tìm thấy một hố đen tý hon có biệt danh “Kỳ lân”, chỉ cách Trái Đất 1.500 năm ánh sáng.
Hố đen mới phát hiện nằm ở chòm sao Monoceros, có khối lượng cực thấp, chỉ lớn gấp 3 lần Mặt Trời. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Tharindu Jayasinghe ở Đại học Ohio, hệ thống bao gồm hố đen Kỳ lân quá kỳ lạ và đặc biệt. Hố đen này còn có thiên thể đồng hành là một ngôi sao khổng lồ đỏ đã tiến gần tới cuối vòng đời. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều thiết bị để quan sát ngôi sao trong những năm qua, trong đó có kính viễn vọng Khảo sát tự động toàn bầu trời và Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh chuyển tiếp của NASA.
Jayasinghe và cộng sự phân tích tập dữ liệu lớn và nhận thấy điểm thú vị. Ánh sáng của sao khổng lồ đỏ thay đổi về cường độ theo chu kỳ, chứng tỏ có một vật thể khác đang kéo ngôi sao và tác động tới hình dáng của nó. Nhóm nghiên cứu xác định vật thể đó nhiều khả năng là một khối đen. Dựa theo chi tiết về tốc độ và sự biến dạng ánh sáng của ngôi sao, họ tính toán hố đen này có khối lượng bằng 3 lần Mặt Trời. So với nó, hố đen siêu khối lượng ở trung tâm dải Ngân Hà lớn gấp 4,3 triệu lần Mặt Trời.
“Giống như lực hấp dẫn của Mặt Trăng ảnh hưởng tới các đại dương trên Trái Đất, khiến thủy triều dâng lên và rút đi, hố đen cũng làm ngôi sao biến dạng giống quả bóng đá với một trục dài hơn trục kia”, đồng tác giả nghiên cứu Todd Thompson ở Đại học Ohio, giải thích.
Giới nghiên cứu biết rất ít hố đen siêu nhẹ bởi chúng vô cùng khó tìm. Hố đen “nuốt chửng” mọi thứ, bao gồm ánh sáng, vì vậy các nhà thiên văn học thường phát hiện chúng thông qua tác động tới môi trường xung quanh. Hố đen càng bé, tác động càng nhỏ. Nhưng nỗ lực tìm kiếm hố đen khối lượng thấp đang gia tăng trong những năm gần đây. Jayasinghe và cộng sự báo cáo phát hiện về hố đen “Kỳ lân” trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.
(theo vnexpress)