Vụ phóng tàu đổ bộ Mặt Trăng của Nga hôm 11/8 là nỗ lực mới nhất trong cuộc đua Mặt Trăng gồm cả những cường quốc lẫn người chơi mới.
Bước nhảy vọt của Trung Quốc
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đầu tư hàng tỷ USD vào chương trình không gian với nỗ lực bắt kịp Mỹ và Nga. Năm 2003, Trung Quốc trở thành nước thứ ba đưa người lên quỹ đạo. Năm 2022, trạm vũ trụ Thiên Cung hoàn thành cấu trúc chính hình chữ T, trở thành viên ngọc quý trong chương trình không gian của nước này.
Trung Quốc cũng đã đưa thành công các robot tự hành lên bề mặt sao Hỏa và Mặt Trăng. Tàu không người lái Hằng Nga 4 hạ cánh ở phía xa Mặt Trăng năm 2019. Một năm sau, tàu Hằng Nga 5 đáp xuống phía gần của Mặt Trăng và giương cao cờ Trung Quốc. Con tàu cũng mang các mẫu đất đá Mặt Trăng về Trái Đất, lần đầu tiên điều này được thực hiện sau hơn 4 thập kỷ. Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa phi hành đoàn đến Mặt Trăng năm 2030 và xây dựng căn cứ tại đó.
Chương trình Mặt Trăng của NASA
Theo chương trình Artemis, NASA dự định thực hiện một chuỗi nhiệm vụ ngày càng phức tạp để trở lại Mặt Trăng và thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người tại đây, từ đó phát triển và thử nghiệm các công nghệ cho hành trình cuối cùng tới sao Hỏa.
Nhiệm vụ đầu tiên, Artemis 1, phóng tàu vũ trụ không người lái bay quanh Mặt Trăng vào năm 2022. Artemis 2, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2024, cũng bay theo quỹ đạo tương tự nhưng mang theo các phi hành gia. Nhiệm vụ Artemis 3 hướng tới mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng năm 2025, bao gồm cả người phụ nữ đầu tiên và phi hành gia đầu tiên không phải da trắng. NASA coi Mặt Trăng là điểm dừng chân cho các nhiệm vụ tới sao Hỏa và đã thỏa thuận với công ty Nokia của Phần Lan để thiết lập mạng 4G tại đó.
Nhưng đầu tuần này, NASA cho biết, Artemis 3 có thể không đưa phi hành gia hạ cánh xuống Mặt Trăng, tùy thuộc xem một số yếu tố then chốt, bao gồm cả hệ thống hạ cánh do SpaceX phát triển, đã sẵn sàng hay chưa. Trước đó, SpaceX giành được hợp đồng cho hệ thống hạ cánh phát triển dựa trên một phiên bản của hệ thống phóng Starship, nhưng hệ thống này còn rất lâu mới sẵn sàng. Một chuyến bay thử nghiệm lên quỹ đạo của Starship đã kết thúc với một vụ nổ dữ dội hồi tháng 4.
Chương trình Mặt Trăng của Nga
Vụ phóng Luna-25 của Nga hôm 11/8 là lần đầu tiên nước này nhắm tới Mặt Trăng kể từ năm 1976, khi nhiệm vụ Luna-24 đưa thành công 170 g mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất. Vụ phóng cũng đánh dấu sự khởi đầu dự án Mặt Trăng mới của Moskva. Tổng thống Vladimir Putin dự định tăng cường hợp tác không gian với Trung Quốc khi quan hệ với phương Tây rạn nứt sau cuộc xung đột Nga – Ukraine năm 2022.
Luna-25 là tàu thăm dò Mặt Trăng tự sản xuất đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Nga. Theo đúng kế hoạch, Luna-25 sẽ mất 5 ngày để bay tới Mặt Trăng, sau đó bay vòng quanh vệ tinh tự nhiên của Trái Đất trong 5 – 7 ngày tiếp theo. Tàu vũ trụ dự kiến hạ cánh xuống vùng cực nam của Mặt Trăng, gần miệng hố Boguslawsky. Nhiệm vụ chính của tàu Luna-25 là kiểm tra công nghệ để hạ cánh nhẹ nhàng xuống Mặt Trăng, phân tích bụi, đá bề mặt và tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học khác.
Những “người chơi” mới
Tiến bộ công nghệ đã làm giảm chi phí của các nhiệm vụ không gian, mở đường cho những người chơi mới trong khu vực công và tư nhân khoảng vài năm gần đây. Tàu vũ trụ mới nhất của Ấn Độ, Chandrayaan-3, đã đi vào quỹ đạo Mặt Trăng đầu tháng 8, chuẩn bị cho nỗ lực hạ cánh cuối tháng.
Tuy nhiên, lên Mặt Trăng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Tổ chức phi lợi nhuận SpaceIL của Israel phóng tàu đổ bộ Mặt Trăng Beresheet vào năm 2019 nhưng thất bại. Tháng 4 năm nay, công ty Nhật Bản ispace cũng nỗ lực và tiếp tục thất bại trong cuộc đua đưa trạm đổ bộ tư nhân lên Mặt Trăng. Hai công ty của Mỹ, Astrobotic và Intuitive Machines, sẽ thử nghiệm vào cuối năm nay.
(theo vnexpress)