Đây chắc hẳn không phải là bức ảnh vũ trụ tuyệt đẹp nhất mà bạn mong đợi, nhưng chúng đánh dấu một cột mốc khoa học to lớn của nhân loại.
Rạng sáng 12/2 (theo giờ Việt Nam), nhóm nghiên cứu đằng sau Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA đã công bố loạt hình ảnh đầu tiên từ đài quan sát được nhiều người mong đợi.
Trước đó, công trình thiên văn trị giá 10 tỷ USD đã di chuyển vào quỹ đạo của nó cách hành tinh của chúng ta khoảng 1,5 triệu km vào tháng 1/2022 và đang chuẩn bị “quay ngược thời gian” để khám phá những gì đã xảy ra từ thủa sơ khai của vũ trụ.
Công việc đầu tiên của kính thiên văn là tập trung vào ngôi sao có cấu tạo giống mặt trời, mang tên HD 84406, thuộc chòm sao Ursa Major, nằm cách chúng ta khoảng 260 năm ánh sáng.
Bức ảnh đầu tiên được công bố cũng chính là hình ảnh của ngôi sao này. Đây là một bức tranh khảm (ghép từ nhiều tấm hình) gồm 18 đốm sáng bố trí một cách ngẫu nhiên trên bầu trời đen. Được biết, đây là thành quả của kính thiên văn khi nó chụp liên tiếp ngôi sao chủ trong 25 giờ, vào ngày 2/2.
Theo NASA, phản xạ ánh sáng từ ngôi sao được ghi lại bởi gương phụ của kính viễn vọng và lọt vào camera hồng ngoại (NIRCam) của đài quan sát. Các chuyên gia tới từ NASA cũng giải thích thứ trông giống như một hình ảnh đơn giản này chính là nền tảng cơ sở để căn chỉnh và định hướng cho James Webb để đài quan sát này có thể mang đến những góc nhìn chưa từng có về vũ trụ.
“Nhóm điều khiển James Webb rất ngạc nhiên trước những bước đầu tiên của việc ghi lại hình ảnh và căn chỉnh kính thiên văn. Theo họ toàn bộ quá trình đang diễn ra rất tốt”, Marcia Rieke, giáo sư thiên văn học tại Đại học Arizona cho biết. Trong khoảng hơn 1 tháng tới, các nhà khoa học sẽ dần dần điều chỉnh các đoạn gương cho đến khi 18 hình ảnh trở thành một ngôi sao duy nhất.
NASA cho biết trong quá trình chụp ảnh bắt đầu từ ngày 2/2, James Webb đã di chuyển đến 156 vị trí khác nhau để tạo ra những góc chụp “có tính toán” tới ngôi sao chủ, chụp được 1.560 hình ảnh bằng cách sử dụng 10 camera NIRCam, với tổng dữ liệu thô lên tới 54 gigabyte.
Các hình ảnh này sau đó được ghép lại với nhau để tạo ra một bức tranh khảm cỡ lớn và duy nhất, ghi lại dấu ấn của từng đoạn gương chính trong một khung hình, các nhà khoa học cho biết.
Được biết, những hình ảnh được công bố chỉ là một phần của bức tranh khảm lớn với kích thước khổng lồ, lên tới hơn 2 tỷ pixel.
Trong tương lai, hình ảnh từ James Webb sẽ trở nên rõ ràng hơn, chi tiết hơn và phức tạp hơn khi ba công cụ khác của nó bắt đầu hoàn thiện khả năng thu thập dữ liệu từ hình ảnh.
Kính viễn vọng James Webb – tên đầy đủ là James Webb Space (JWST), một đài quan sát vệ tinh có kích thước nặng khoảng 6.350 kg, đã được phóng lên khỏi mặt đất lúc 19:20 tối 25/12 (theo giờ Việt Nam) tại cảng vũ trụ của châu Âu ở vùng Guiana (Pháp).
Kính viễn vọng được đặt tên theo James Webb – quản trị viên thứ 2, từng làm việc 7 năm tại NASA. Dưới sự giám sát của ông, NASA đã khởi động nhiều sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, bao gồm Chương trình Apollo nổi tiếng. Trong đó, Apollo 11 là chuyến bay không gian đầu tiên đã hạ cánh cùng con người xuống Mặt Trăng, với sự tham gia của 2 nhà phi hành gia người Mỹ là Neil Armstrong và Buzz Aldrin, vào ngày 20/7/1969.
Được biết, quá trình chế tạo kính viễn vọng James Webb được khởi động từ năm 2004, có sự tham gia của hàng nghìn nhà khoa học, kỹ thuật viên và kỹ sư từ 14 quốc gia, nhưng liên tục bị trì hoãn do đại dịch và thách thức kỹ thuật. Theo NASA, quá trình xây dựng công trình này tốn gần 10 tỷ USD – gần gấp đôi chi phí ước tính kể từ năm 2009. Dẫu vậy, đây vẫn được xem là một thành tựu lớn trong ngành vũ trụ của Mỹ.
Nhiệm vụ của đài quan sát thiên văn mạnh và phức tạp nhất thế giới đó là giải đáp những câu hỏi về hệ Mặt Trời, nghiên cứu ngoại hành tinh theo phương pháp mới và quan sát vũ trụ theo một chiều sâu hơn. Kính viễn vọng James Webb cũng sẽ xem xét khí quyển của ngoại hành tinh có thể ở được, và tiếp tục tìm kiếm dấu vết của sự sống bên ngoài Trái Đất.
(theo Dân trí)