Một con gấu đen suýt nữa khơi mào chiến tranh hạt nhân

Theo một quyển sách của giáo sư Đại học Stanford (Mỹ), chiến tranh hạt nhân suýt nữa đã nổ ra chỉ vì lính gác tưởng nhầm một con gấu đen là gián điệp Liên Xô đang tìm cách xâm nhập căn cứ ở bang Minnesota.

Tiêm kích đánh chặn F-106A Delta Dart  /// Không quân Mỹ
Tiêm kích đánh chặn F-106A Delta Dart KHÔNG QUÂN MỸ
Tháng 10.1962, thời điểm Chiến tranh Lạnh lên mức cao trào giữa Mỹ và Liên Xô, các máy bay do thám U-2 của Mỹ ghi nhận những bằng chứng cho thấy Liên Xô đang xây căn cứ tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ Cuba.
Ngày 22.10, toàn bộ lực lượng vũ trang của Mỹ được đặt trong tình trạng khẩn cấp DEFCON 3, theo đó không quân sẵn sàng xuất kích trong vòng 15 phút. Tổng thống Mỹ lúc đó là John F. Kennedy đối mặt áp lực từ các tư lệnh quân đội đòi phải giáng đòn tấn công phủ đầu trước khi Liên Xô ra tay. Khủng hoảng Tên lửa Cuba bắt đầu.
Đó là thời điểm con gấu đen ở Duluth (bang Minnesota) xuất hiện, theo báo Duluth News Tribune kể lại.
Vào đêm 25.10, một lính gác ở nơi lúc đó là căn cứ không quân Duluth (giờ đây là căn cứ không quân của Vệ binh quốc gia) phát hiện một bóng đen đang leo rào.
“Lúc đó Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm, cuộc Khủng hoảng Hạt nhân Cuba, có khoảng 130 tên lửa hạt nhân ở căn cứ Duluth khi ấy…vì thế công tác an ninh vô cùng cẩn mật”, cựu sĩ quan Ray Klosowski nhớ lại.
Ông Klosowski là người đứng đầu Phi đoàn 148 đóng tại Duluth trước khi trở thành chỉ huy của lực lượng không quân Minnesota của Vệ binh quốc gia. Sự cố xảy ra trước khi ông nhận lệnh điều động đến căn cứ khoảng 1 năm rưỡi, nhưng mọi chi tiết của câu chuyện này vẫn được truyền lại nhiều năm sau đó.
Khi thấy bóng đen trong tư thế khả nghi, người lính gác nghĩ ngay đến nguy cơ bị gián điệp Liên Xô xâm nhập. Người này lập tức nổ súng về phía mục tiêu trước khi phát báo động, và lập tức các hệ thống báo động ở những căn cứ tại các bang lân cận cũng vang lên. Sau đó, anh phát hiện đó chỉ là một con gấu đen khi thấy nó chạy thục mạng vào rừng.
Do kịp thời xác định “danh tính” kẻ quấy rối, tất cả máy bay tại căn cứ Duluth đều giữ nguyên vị trí. Thế nhưng, căn cứ không quân ở Volk Field gần Tomah (bang Wisconsin) lại xuất hiện vấn đề. Chưa rõ vì sao nhưng thay vì bật cảnh báo có kẻ xâm nhập ở căn cứ khác, lệnh báo động ở căn cứ Volk Field lại trở thành: Xuất kích ngay tức khắc và chuẩn bị tham chiến.
Theo quy trình của DEFCON, 161 chiếc tiêm kích đánh chặn F-106A Delta Dart của không quân được chuyển từ các căn cứ lớn trên khắp nước Mỹ đến những căn cứ nhỏ hơn như Volk Field để tránh tầm quan sát của Liên Xô. Volk Field nhỏ đến nỗi không có đài kiểm soát không lưu, mà trực thuộc quyền chỉ huy của căn cứ Duluth.
Một con gấu đen suýt nữa khơi mào chiến tranh hạt nhân  - ảnh 1

Tên lửa MB-1 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được lắp cho tiêm kích F-106A

KHÔNG QUÂN MỸ

Các tiêm kích F-106A có nhiệm vụ tìm diệt những oanh tạc cơ Liên Xô tiếp cận không phận Mỹ. Chúng được trang bị tên lửa không đối không mang theo đầu đạn hạt nhân, đủ sức phá hủy cả phi đội máy bay ném bom. Theo ông Klosowski, cảnh báo tại Volk Field diễn dịch là các oanh tạc cơ của Liên Xô đang bay đến, chuẩn bị ném bom hạt nhân xuống lãnh thổ Mỹ. Chiến tranh thế giới thứ ba sắp bắt đầu.
“Các phi công ngồi sẵn trong buồng lái, sẵn sàng lên đường… Nếu không phải là đất nước đang đối mặt với nguy cơ sát sườn thì ai lại cất cánh mang theo vũ khí hạt nhânnhư vậy”, viên cựu sĩ quan nhớ lại.
May mắn là một sĩ quan ở Volk Field quyết định gọi cho chỉ huy ở căn cứ Duluth để xác nhận tình hình và biết được đó chỉ là báo động giả. Quân nhân này lập tức lái xe jeep lao ra đường băng, phát tín hiệu bằng đèn để ngăn cản các máy bay xuất kích.
Như thế, cuộc gọi vào phút chót dường như đã giúp ngăn chặn được sự cố một con gấu đen thổi bùng chiến tranh thế giới thứ ba và giúp thế giới thoát khỏi nguy cơ bị vũ khí hạt nhân hủy diệt.
Phần lớn câu chuyện về con gấu được giữ bí mật trong nhiều thập niên, trước khi được không quân giải mật. Dựa vào tài liệu này, giáo sư Scott Sagan của Đại học Stanford đã đề cập vụ việc trong quyển sách xuất bản năm 1993 có tựa đề “The Limits of Safety: Organizations, Accidents, and Nuclear Weapons” (Lược dịch Các giới hạn của An toàn: Tổ chức, Sự cố và Vũ khí Hạt nhân).
(theo Thanh Niên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *