Kỷ nguyên mới trên sao Hỏa

Cuộc đổ bộ lịch sử lên sao Hỏa của tàu thăm dò Perseverance là thành công bước đầu cho việc lần đầu tiên loài người mang mẫu vật từ hành tinh khác về trái đất.
Ảnh mô phỏng miêu tả thiết bị bay phản lực dùng dây cáp thả tàu thăm dò Perseverance xuống sao Hỏa
Ảnh mô phỏng miêu tả thiết bị bay phản lực dùng dây cáp thả tàu thăm dò Perseverance xuống sao Hỏa
Rạng sáng 19.2, tàu thăm dò Perseverance (Kiên Trì) của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chính thức lăn bánh trên sao Hỏa trong sự reo mừng của các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm động cơ đẩy phản lực (JPL) thuộc NASA ở TP.Pasadena, bang California.
Đây là tàu thăm dò thứ 5 của nhân loại tiếp đất thành công ở sao Hỏa và toàn bộ đều là của người Mỹ. Theo Reuters, thành công này là kết quả nỗ lực suốt 2 năm của các nhà khoa học và tiêu tốn kinh phí 2,7 tỉ USD.

7 phút kinh hoàng

Để có được thành công ngày 19.2, tàu thăm dò Perseverance đã phải trải qua hành trình 472 triệu km từ trái đất đến sao Hỏa trong gần 7 tháng qua. Trong đó, giai đoạn từ khi phi thuyền đi vào bầu khí quyển của sao Hỏa cho đến lúc tiếp đất được cho là quan trọng nhất và được miêu tả là “7 phút kinh hoàng” với nhiều lần hạ cánh thất bại trước đó.
Kỷ nguyên mới trên sao Hỏa1

Các nhân viên NASA mừng rỡ sau khi tàu Perseverance được xác nhận đã đáp xuống sao Hỏa

ẢNH: AFP

Theo AFP, phi thuyền mang theo tàu Perseverance lao vào bầu khí quyển sao Hỏa với vận tốc 20.000 km/giờ và chịu sức nhiệt khoảng 1.300 độ C. Một chiếc dù lớn được bung ra để làm giảm tốc độ trước khi thiết bị bay phản lực mang theo Perseverance tách ra khỏi phi thuyền. Khi cách bề mặt sao Hỏa khoảng 20 m, tàu Perseverance được thả từ từ xuống bằng một hệ thống dây cáp.
Đúng 3 giờ 55 sáng qua (giờ VN), trưởng bộ phận vận hành của sứ mệnh Swati Mohan thông báo từ phòng điều khiển rằng việc tiếp đất đã được xác nhận. Trên thực tế, con tàu nặng 1 tấn đã tiếp đất từ trước nhưng phải mất 11 phút để tín hiệu vô tuyến truyền từ sao Hỏa về trái đất.
Kỷ nguyên mới trên sao Hỏa2

Ảnh mô phỏng phi thuyền mang theo tàu Perseverance lao vào khí quyển sao Hỏa

Kỷ nguyên mới trên sao Hỏa3

Hình ảnh đầu tiên của sao Hỏa được tàu Perseverance gửi về trái đất

Những thí nghiệm tiên phong

Ngay sau đó, tàu Perseverance đã gửi những hình ảnh trắng đen đầu tiên chụp bề mặt sao Hỏa về trái đất. Khu vực hạ cánh của tàu Perseverance là Lòng chảo Jezero, nằm phía bắc đường xích đạo của sao Hỏa.
Theo NASA, lòng chảo này được hình thành từ hàng tỉ năm trước do một vật thể lớn lao xuống bề mặt sao Hỏa. Các nhà khoa học cho rằng lòng chảo này từng chứa nước vào khoảng 3,5 tỉ năm trước và việc nghiên cứu các lớp đất đá, trầm tích tại đây có thể hé lộ về lịch sử sao Hỏa.
Trong khi các nhiệm vụ trước đây đã xác định việc sao Hỏa là nơi có thể sinh sống, nhiệm vụ của Perseverance là xác định liệu đã từng có sự sống trên hành tinh này hay không.
Kỷ nguyên mới trên sao Hỏa4

Phó quản lý dự án Perseverance, bà Jennifer Trosper chụp ảnh với mô hình tàu Perseverance

Ngoài mục tiêu nói trên, NASA còn thực hiện nhiều thí nghiệm đầu tiên trong nhiệm vụ lần này. Theo đó, tàu Perseverance mang theo một trực thăng tự hành nhỏ tên Ingenuity, được thử nghiệm để khảo sát địa hình trên sao Hỏa và vẽ bản đồ cho các tàu thăm dò trong tương lai.
Tàu Perseverance còn mang theo một thiết bị giúp chuyển đổi khí CO2 trên sao Hỏa thành ô xy, giúp các phi hành gia không cần mang theo bình dưỡng khí và cho việc vận hành tên lửa đẩy, đưa con người từ sao Hỏa về lại trái đất.
Nhiệm vụ của tàu Perseverance là nền tảng quan trọng nhưng đó chỉ mới là bước khởi đầu cho những công việc sắp tới của các nhà khoa học trong việc tìm kiếm dấu hiệu sự sống trên sao Hỏa.
Tàu Perseverance sẽ thu thập 30 mẫu trầm tích, đất đá từ nhiều địa điểm và cho vào các hộp kín. Các mẫu vật này sẽ được tàu thăm dò của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) mang về trái đất trong hai nhiệm vụ kế tiếp vào thập niên 2030.
Theo dự kiến, tàu Perseverance sẽ di chuyển khoảng 24 km và hành trình này sẽ kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, so với những điều mà các nhà khoa học có thể khám phá về sao Hỏa thì điều này được cho là đáng để chờ đợi.
Thành tựu lịch sử
Quyền Giám đốc NASA Steve Jurczyk gọi đây là thành tựu tuyệt vời và là thời khắc then chốt cho NASA, Mỹ cũng như ngành khám phá vũ trụ của thế giới. Ông Jurczyk nói rằng sứ mệnh Perseverance thể hiện tinh thần kiên trì của đất nước trong thời điểm khó khăn nhất, giúp truyền cảm hứng và thúc đẩy khoa học, khám phá vũ trụ. Quyền Giám đốc NASA cho biết nhiệm vụ này sẽ giúp chuẩn bị cho việc đưa con người lần đầu tiên thám hiểm sao Hỏa vào thập niên 2030.
Trong khi đó, cấp phó của ông Jurczyk, ông Thomas Zurbuchen xé toạc những kế hoạch dự phòng để miêu tả thành công của cú đáp và thừa nhận đã vi phạm quy tắc phòng dịch Covid-19 khi ôm các đồng nghiệp trong lúc vui mừng. Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi đây là “sự kiện lịch sử”, chứng minh rằng với sức mạnh của khoa học thì không gì là không thể.
(theo Thanh Niên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *