Trung Quốc có thể phóng 23 tên lửa Trường Chinh 5 (CZ-5), mỗi tên lửa nặng gần 900 tấn khi cất cánh, để chuyển hướng những thiên thạch nguy hiểm trong hệ Mặt Trời.
Một số tiểu hành tinh nhỏ như viên sỏi nhưng số khác có đường kính lên tới hàng trăm km. Tiểu hành tinh rộng khoảng 500 m có thể giết chết hàng triệu người. Dù hiện nay, nguy cơ tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất rất thấp, một vật thể tên Bennu có thể đâm vào hành tinh của chúng ta trong vòng một thế kỷ. Nhà nghiên cứu Li Mingtao và đồng nghiệp ở Trung tâm Khoa học Vũ trụ Quốc gia tại Bắc Kinh được giao tìm hiểu biện pháp để nhân loại không rơi vào kết cục tương tự như khủng long. Tiểu hành tinh khiến khủng long tuyệt chủng có đường kính 10 km.
Thay đổi đường bay của tiểu hành tinh khổng lồ lao về phía Trái Đất ở tốc độ lớn đòi hỏi nhiều động năng. Vũ khí hạt nhân có thể dùng vào nhiệm vụ này nhưng vụ nổ sẽ làm mục tiêu vỡ thành nhiều mảnh nguy hiểm. Nhóm nghiên cứu của Li đề xuất phóng 23 tên lửa CZ-5 từ nhiều địa điểm trên khắp Trung Quốc cùng lúc. Chúng sẽ bay gần 3 năm để tiếp cận mục tiêu.
Trên mỗi tên lửa là thiết bị làm chệch hướng, được thiết kế để tránh làm vỡ tiểu hành tinh. Từng tên lửa sẽ lần lượt đâm vào tiểu hành tinh với tác động nhẹ. Cách này chỉ làm đường bay của vật thể lớn cỡ Bennu thay đổi nhẹ, nhưng đủ để nó bay qua an toàn ở khoảng cách lớn gấp 1,4 lần bán kính Trái Đất và cứu một số thành phố khỏi bị hủy diệt, theo tính toán của Li. Trong nghiên cứu công bố hồi tháng 6 trên tạp chí Icarus, nhóm nghiên cứu cho biết phương pháp phi hạt nhân này có thể bảo vệ Trái Đất trước những tiểu hành tinh lớn trong vòng 10 năm.
CZ-5 là trọng tâm của chương trình vũ trụ Trung Quốc, được sử dụng trong xây dựng trạm vũ trụ và khám phá sao Hỏa. Vấn đề là kích thước của tên lửa gây lo ngại khi mảnh vỡ rơi tự do trở lại Trái Đất, di chuyển ở tốc độ hàng nghìn kilomet mỗi giờ. Nhà chức trách phương Tây, bao gồm Lực lượng không gian Mỹ, cho biết họ theo dõi chặt chẽ tên lửa CZ-5 sau mỗi lần phóng.
Trong báo cáo kết quả nghiên cứu, Li và đồng nghiệp cho rằng nhiên liệu không dùng hết trong lúc phóng tên lửa có thể cung cấp thêm lực đẩy khi bay về phía tiểu hành tinh. Thân tên lửa cũng giúp tăng tổng khối lượng của hệ thống làm chệch hướng. Mẫu tên lửa hiện nay chỉ cần vài chỉnh sửa nhỏ như bổ sung thêm một số động cơ đẩy. Mang tên HAMMER (Hypervelocity Asteroid Mitigation Mission for Emergency Response), kế hoạch của Mỹ là vận chuyển hơn 400 tấn thiết bị nặng chệch hướng, gần gấp đôi so với đề xuất của Trung Quốc, nhưng với thời gian bay ngắn hơn một năm, để đạt kết quả tương tự.
Li đánh giá nhiệm vụ của Mỹ có chi phí cao hơn của Trung Quốc và thời gian chuẩn bị dài hơn. Trong khi phương pháp của Mỹ cần phát hiện tiểu hành tinh 25 năm trước khi va chạm với Trái Đất, kế hoạch mang tên Assembled Kinetic Impactorcủa Trung Quốc có thể giảm thời gian xuống 10 năm.
(theo vnexpress)