Trong quý IV, Vietjet dự kiến nhận bàn giao 4-5 máy bay qua giao dịch SLB. Nhờ đó, hãng bay này có thể ghi nhận doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhóm phân tích cũng cho biết, 2-3 năm tới Vietjet cũng có kế hoạch nhận thêm 10 máy bay thông qua vay ngân hàng và SLB, với sự hỗ trợ tài chính của ngân hàng trong nước cho 3 máy bay hiện tại. Trong tháng 1/2021, Vietjet dự kiến bàn giao tiếp 3 máy bay theo phương thức SLB.
Do ảnh hưởng của Covid-19, 9 tháng đầu năm, Vietjet ghi nhận doanh thu khoảng 13.800 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ và lỗ trước thuế 2.600 tỷ đồng. Mới đây, lãnh đạo Vietjet cũng kiến nghị nhà nước hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong 3-5 năm. Theo đó, Vietjet sẽ trả nợ và lãi trong năm 2023-2025.
Đồng thời, Vietjet cũng xin các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 được kéo dài đến hết năm sau và giảm 3% lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hàng không.
Nhóm phân tích của SSI cho biết, trên bảng cân đối kế toán, Vietjet ghi nhận số dư tiền mặt giảm xuống 2.300 tỷ đồng vào cuối quý III. Con số này vào cuối quý II là 2.500 tỷ đồng và 6.000 tỷ đồng vào đầu năm.
Điều này có nghĩa Vietjet đã chi 200 tỷ đồng từ số dư tiền mặt trong quý III và 3.700 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, tốc độ chi tiền ít nhất đã chậm lại trong quý III, do tác động của dịch chỉ kéo dài khoảng 1 tháng hoặc ngắn hơn. Tuy nhiên, cũng có một số khoản đóng góp từ các hoạt động không cốt lõi như bán tài sản (1.300 tỷ đồng trong 9 tháng).
“Nếu không có khoản thu nhập này, tỷ lệ chi tiền mặt sẽ cao hơn nhiều. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong quý III âm 1.200 tỷ đồng. Mức này vẫn đáng báo động khi xem xét lượng dự trữ tiền mặt 2.300 tỷ đồng của công ty” SSI Research cho hay.
Theo Anh Tú(Vnexpress)