Các nhà khoa học lần đầu tiên trồng hạt giống nảy mầm trên mẫu đất lấy từ Mặt trăng, tạo tiền đề để các cây trồng hỗ trợ tham vọng lập tiền đồn của con người ở các hành tinh khác.
Toàn bộ các hạt giống trong nghiên cứu đều nảy mầm.
Các nhà nghiên cứu ngày 12.5 nói đã trồng hạt giống của một loài cỏ dại có hoa tên khoa học là Arabidopsis thaliana trong 12 bình chứa cỡ nhỏ, mỗi bình đựng 1 gam đất Mặt trăng, theo Reuters.
Các nhà nghiên cứu sau đó theo dõi các hạt giống này nảy mầm và phát triển. Đất Mặt trăng có thành phần khác biệt so với đất trên Trái đất, lại thiếu chất hữu cơ, nên không rõ hạt giống có nảy mầm được hay không.
“Khi lần đầu tiên thấy mầm xanh trồi ra từ hạt giống, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên”, giáo sư Anna-Lisa Paul, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Sinh học tại Đại học Florida, Mỹ, nói.
“Thực vật có thể phát triển trên đất Mặt trăng. Thành tựu này mở ra cánh cửa cho việc khám phá vũ trụ trong tương lai, bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có trên Mặt trăng hay sao Hỏa”, Paul nói thêm.
Các hạt giống nảy mầm và không có sự khác biệt ở giai đoạn đầu so với các hạt giống được gieo trồng ở lớp đất mặt trên Trái đất.
Tuy nhiên, chúng phát triển chậm hơn, rễ còi cọc hơn, lá mọc ra nhỏ hơn, không phải là dấu hiệu cho thấy sự phát triển khỏe mạnh. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy phản ứng của thực vật, tương tự như phản ứng với muối, kim loại và quá trình oxy hóa.
“Mặc dù thực vật có thể sinh trưởng trong môi trường tương tự như đất Mặt trăng, chúng phải nỗ lực nhiều hơn trong quá trình trao đổi chất”, Paul nói.
Đối với các nhà nghiên cứu, việc toàn bộ hạt giống nảy mầm được coi là bước tiến đột phá. “Điều này có nghĩa là chúng ta có thể trồng cây lương thực trên Mặt trăng, sử dụng thực vật tương tự như trên Trái đất”, Rob Ferl, đồng tác giả nghiên cứu, nói.
Các mẫu đất Mặt trăng được lấy từ chuyến thám hiểm của NASA vào các năm 1969 và 1972.
(Theo 24h)