TTO – NASA đã phóng tên lửa mang theo tàu thám hiểm Orion lên Mặt trăng, khởi đầu sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng Artemis, 50 năm sau sứ mệnh đầu tiên Apollo. Trước đó, NASA đã hoãn 1 lần và hủy 2 lần vụ phóng này.
Tên lửa SLS và tàu thám hiểm Orion khởi thành tại bang Florida, ngày 16-11 – Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AFP, tên lửa mang theo tàu thám hiểm Orion khởi hành từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida (Mỹ) vào khoảng 13h48 ngày 16-11 (giờ Việt Nam).
Đây là chuyến bay thử nghiệm, không người lái vòng quanh Mặt trăng trong vòng ba tuần. Chuyến bay được kỳ vọng sẽ mở đường cho chương trình thám hiểm Mặt trăng Artemis của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), 50 năm sau sứ mệnh cuối cùng trên Mặt trăng Apollo.
Được đặt tên theo nữ thần săn bắn của Hy Lạp cổ đại và là chị em sinh đôi của thần Apollo, Artemis nhằm mục đích đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt trăng sớm nhất là vào năm 2025.
Theo Hãng tin AFP, Artemis cũng là bước đầu tiên trong kế hoạch xây dựng sự hiện diện lâu dài của Mỹ trên Mặt trăng, đồng thời rút ra nhiều bài học nhằm chuẩn bị cho chuyến du hành tới sao Hỏa vào những năm 2030.
Khoảng 100.000 người đã có mặt bên bờ biển để xem vụ phóng. Andrew Trombley, một người đam mê không gian đến từ bang Missouri, rất lo lắng sau khi vụ phóng bị hoãn vài lần do sự cố kỹ thuật.
“Tôi đã tới đây vài lần để xem vụ phóng nhưng lại bị hủy, vì vậy tôi thấy rất vui khi vụ phóng thành công – anh Trombley nói – Khi sứ mệnh Apollo diễn ra tôi còn quá nhỏ… do đó tôi muốn đích thân tới xem”.
Kerry Warner, 59 tuổi, một nhà giáo dục đã nghỉ hưu sống ở bang Florida, cho biết vụ phóng là “một phần của nước Mỹ và đại diện cho nước Mỹ”.
Trước ngày 16-11, vụ phóng từng bị hoãn vì tránh cơn bão Ian. Ngoài ra còn hai lần phóng thử bị hủy do lỗi kỹ thuật. Sự cố đầu tiên liên quan đến lỗi cảm biến, lần hai là do rò rỉ nhiên liệu. Tên lửa dùng nhiên liệu oxy và hydro lỏng cực lạnh, cực kỳ dễ bay hơi.
Nếu sứ mệnh Artemis 1 thành công, chuyến bay Artemis 2 có phi hành đoàn sẽ khởi hành vào năm 2024 và sau đó là chuyến Artemis 3 có phi hành đoàn là phụ nữ.
Mặc dù không có người lái, Orion mang theo phi hành đoàn mô phỏng gồm ba người, được trang bị các cảm biến để đo mức bức xạ và những thách thức mà phi hành gia sẽ phải trải qua.
Mục tiêu của chuyến bay lần này bao gồm kiểm tra độ bền của tấm chắn cách nhiệt của Orion trong quá trình ma sát với bầu khí quyển Trái đất với tốc độ gần 40.000 km/h, lớn gấp 32 lần tốc độ âm thanh. Tấm chắn nhiệt được thiết kế để chịu được nhiệt độ tăng lên tới gần 2.760 độ C.
Sau hơn một thập kỷ phát triển với nhiều năm trì hoãn và tăng ngân sách, tới nay tàu Orion đã tiêu tốn của NASA ít nhất 37 tỉ USD, bao gồm chi phí thiết kế, xây dựng, thử nghiệm và cơ sở vật chất trên mặt đất. NASA đã dự đoán tổng chi phí của Artemis là 93 tỉ USD tính tới năm 2025.
NASA cho rằng chương trình này đã tạo ra hàng chục ngàn việc làm và mang lại hàng tỉ đô la.
(Theo Tuổi trẻ)