Đã gần 2 thập kỷ trôi qua từ khi tàu Thần Châu 5 đưa phi hành gia Dương Lợi Vĩ – người Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ vào năm 2003, đánh dấu chiến thắng đầu tiên của chương trình đưa người chinh phục vũ trụ của Trung Quốc, cũng là bước tiến vượt bậc mang tính lịch sử của người Trung Quốc trong chặng đường tiến tới đỉnh cao của khoa học và công nghệ thế giới.
Từ đó đến nay, thế giới đã liên tục được nghe tin về những thành công tiếp theo của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học vũ trụ, với phóng nhiều con tàu, nhiều vệ tinh được phóng ra ngoài Trái Đất, nhiều tốp nhà du hành được đưa ra ngoài không gian…
Vừa rồi tàu Thần Châu 13 đã mang phi hành đoàn hạ cánh an toàn sau 6 tháng trên quỹ đạo. Tiếp tục, ngày 5/6 Trung Quốc phóng thành công Thần Châu 14, đưa 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ Thiên Cung.
Chia sẻ với Đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Trung tướng Phạm Tuân, phi công vũ trụ, Anh hùng lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam, cho rằng đây là những thành công rất lớn có ý nghĩa quan trọng với cả thế giới.
Trong khi nhiều quốc gia khác còn đang nghiên cứu mà vẫn chưa thực hiện được, Trung Quốc đã liên tiếp thực hiện các sứ mệnh không gian thành công và tiến tới hoàn thành xây dựng một trạm vũ trụ của riêng mình, giúp nâng cao khả năng nghiên cứu vũ trụ của con người nói chung giống như các trạm Hoà Bình của Liên Xô trước đây hay trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đang hoạt động.
“Đó là thành tựu chinh phục vũ trụ của loài người, do Trung Quốc đảm nhận, và sẽ phục vụ lợi ích chung của toàn nhân loại,” trung tướng Phạm Tuân bày tỏ.
Trung tướng Phạm Tuân chính là người châu Á và Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Ngày 23/7/1980, ông cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào không gian trên tàu Liên hợp 37 và trở về Trái Đất vào ngày 31/7/1980. Hiện nay khi đã về hưu, Trung tướng Phạm Tuân đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch danh dự Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam – nơi hội tụ của gần 200 nhà khoa học và kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ trong cả nước.
Những thành tựu khoa học vũ trụ của Trung Quốc mang ý nghĩa quốc tế quan trọng, vị trung tướng nhận định. Cho tới nay, dù là thành tựu của nước nào đạt được cũng là để phục vụ nhân loại vì mục đích hoà bình và phát triển. Khoa học công nghệ vũ trụ ngày nay được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, … tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển.
“Chúng ta đều mong chờ những thành tựu mới nhất được ứng dụng phục vụ đời sống con người,” trung tướng Phạm Tuân nói, nhấn mạnh rằng những ứng dụng đó rất gần gũi với đời sống ngày nay, từ việc sử dụng các thiết bị liên lạc như điện thoại, dự báo khí tượng thuỷ văn, thiết bị định vị, chỉ đường giao thông thông minh…
Theo vị trung tướng, thành công của các sứ mệnh không gian cho thấy năng lực khoa học của Trung Quốc đã vươn lên một tầm cao mới. Sau nhiều năm đổi mới và xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc đã đạt những thành tựu to lớn trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học.
Công nghệ vũ trụ là một ngành công nghệ cao tích hợp nhiều tinh tuý của các ngành khoa học công nghệ khác từ vật lý, sinh học, tự động điều khiển, v.v… nhằm chế tạo và ứng dụng các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa đẩy, trạm mặt đất, v.v… để khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ. Vì thế, thành tựu trong lĩnh vực khoa học vũ trụ thể hiện trình độ khoa học chung của Trung Quốc nay đã vươn lên tầm cao mới, Trung Quốc đã thành công nâng tầm ngành khoa học công nghệ của mình.
Trung tướng Phạm Tuân cho rằng điều đáng ngưỡng mộ đó là việc Trung Quốc tự lực tự cường từ đầu trong lĩnh vực không gian: từ sản xuất tên lửa phóng Trường Chinh mang được nhiều tấn hàng hoá vào vũ trụ, chế tạo được con tàu đảm bảo điều kiện bay và vận hành hoàn chỉnh, v.v… chưa từng xảy ra trục trặc gì. Trung Quốc là một nước châu Á đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, là nước thứ 3 trên thế giới phóng được tàu vũ trụ có người lái sau Liên Xô và Mỹ.
Điều này cũng cho thấy tiềm năng mọi mặt của Trung Quốc đã vươn lên tầm cao rồi, về cơ sở vật chất, về khoa học nghiên cứu, và đặc biệt là con người. Các nhà khoa học Trung Quốc đã nâng cao trình độ, nắm bắt và làm chủ được công nghệ tối tân để có được những thành tựu như vừa qua, vị trung tướng nhận định.
Dự kiến trong năm 2022, Trung Quốc sẽ thực hiện tổng cộng 6 nhiệm vụ bay vào không gian để hoàn thành xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung nặng khoảng 90 tấn, là tổ hợp hình chữ T của 3 mô-đun Thiên Hoà, Mộng Thiên và Vấn Thiên.
Khi được hoàn thành vào cuối năm nay, trạm Thiên Cung sẽ hoạt động với tư cách phòng thí nghiệm vũ trụ quốc gia của Trung Quốc, hỗ trợ lưu trú dài ngày cho các phi hành gia nghiên cứu khoa học công nghệ ngoài không gian.
“Với tư cách là một phi công vũ trụ, tôi rất phấn khởi, rất mong đợi những sứ mệnh sắp tới, những thành tựu tiếp theo của Trung Quốc trong lĩnh vực này phục vụ lợi ích chung của toàn nhân loại,” ông Phạm Tuân nói.
(theo CRI online)