Các nhà nghiên cứu của dự án Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (EHT) vừa công bố bức ảnh chi tiết nhất về lỗ đen từ trước cho đến nay.
Ảnh chụp về lỗ đen của thiên hà Messier 87 lần đầu tiên cho thấy lỗ đen dưới ánh sáng phân cực, minh họa cách từ trường hoạt động ở rìa của hiện tượng vũ trụ. Hình ảnh mới cho thấy những trường này đủ mạnh để tạo ra lực cản đối với khí có từ tính cao ở chân trời sự kiện, giúp một số khí thoát khỏi lực hấp dẫn nghiền nát trong chính lỗ đen.
Dữ liệu cũng cho phép các nhà khoa học ước tính rằng lỗ đen chỉ “ăn” khá khiêm tốn. Nó “chỉ” tiêu thụ một phần nghìn khối lượng của Mặt trời mỗi năm.
Mặc dù sự kết hợp của EHT với các kính thiên văn trên toàn thế giới còn hạn chế, nhưng một phiên bản trong tương lai sẽ đủ khả năng để tạo ra các video chính thức về hoạt động từ trường. Điều đó sẽ cho thấy cách từ trường khai thác năng lượng từ lỗ đen và làm sáng tỏ thêm một trong những vật thể lạ của vũ trụ.
Trước đó, vào ngày 10/4/2019, các nhà khoa học của dự án Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT) đã lần đầu tiên công bố chụp được hình ảnh của một lỗ đen khổng lồ và cái bóng mà nó tạo ra ở trung tâm thiên hà xa xôi Messier 87 (M87).
Hình ảnh cho thấy lỗ đen ở trung tâm thiên hà Messier 87, một thiên hà khổng lồ trong cụm thiên hà Virgo. Lỗ đen này cách Trái đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng và có khối lượng khoảng 6,5 tỷ lần khối lượng Mặt trời.
Kính thiên văn Chân trời sự kiện, hệ kính có kích thước tương đương với Trái đất gồm 8 kính thiên văn vô tuyến được thiết kế để chụp ảnh lỗ đen.
EHT liên kết các kính thiên văn trên toàn thế giới tạo thành một hệ kính ảo có kích thước tương đương với Trái đất. Hệ có độ nhạy và độ phân giải cao nhất từ trước đến nay.
EHT là kết quả nỗ lực của hợp tác quốc tế trong nhiều năm, mở ra một cơ hội cho các nhà khoa học nghiên cứu về lỗ đen, vật thể lạ lùng nhất trong Vũ trụ được thuyết tương đối rộng của Einstein dự đoán tồn tại.
(theo Dân trí)