Phần mềm giúp trực thăng NASA bay thành công trên sao Hỏa

Phần mền nguồn mở F Prime là một trong những yếu tố quan trọng góp phần mang tới thành công cho các chuyến bay của trực thăng Ingenuity.

Mô phỏng trực thăng Ingenuity bay lơ lửng trên hành tinh đỏ. Ảnh: NASA.
Mô phỏng trực thăng Ingenuity bay lơ lửng trên hành tinh đỏ. Ảnh: NASA.

Khi trực thăng Ingenuity của NASA lơ lửng bên trên hành tinh đỏ hôm 19/4 trong chuyến bay đầu tiên, khoảnh khắc này đánh dấu chuyến bay gắn động cơ có kiểm soát đầu tiên trên hành tinh khác. Quá trình xác định làm cách nào để bay trên sao Hỏa, nơi có bầu không khí mỏng nhưng trọng lực chỉ bằng 1/3 so với Trái Đất, kéo dài nhiều năm. Cùng với thách thức trong việc phát triển cỗ máy thực hiện nhiệm vụ, các kỹ sư cũng cần phần mềm giúp biến chuyến bay chưa từng có trở nên khả thi.

Nhóm chuyên gia phụ trách dự án Ingenuity lựa chọn F Prime, khung phần mềm bay đa nhiệm vụ có thể tái sử dụng được thiết kế để dùng cho vệ tinh CubeSats, tàu vũ trụ nhỏ và các thiết bị. Chương trình được phát triển lần đầu năm 2013 bởi nhóm nhà nghiên cứu đứng đầu là Tim Canham ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA tại miền nam California với mục tiêu tạo ra tùy chọn phần mềm dễ điều chỉnh, linh động và chi phí thấp, cho phép tái sử dụng dễ dàng các bộ phận viết cho một ứng dụng ở những ứng dụng khác và chạy trên nhiều bộ xử lý.

Năm 2017, các nhà nghiên cứu ra mắt F Prime dưới dạng nguồn mở, có nghĩa bất cứ ai đều có thể tự do truy cập mã nguồn của phần mềm, nhờ đó các đối tác bên ngoài, trường đại học và cộng đồng có thể sử dụng khung phần mềm này trong dự án của riêng họ. Đây là một trong hàng trăm bộ mã mà NASA chia sẻ miễn phí với cộng đồng.

“Đây là một chiến thắng của nguồn mở, bởi chúng tôi đã cất cánh một hệ thống vận hành bằng nguồn mở và khung phần mềm bay nguồn mở, với các bộ phận thương mại có thể mua sẵn”, Canham cho biết. Trực thăng Ingenuity là sự kết hợp của nhiều bộ phận tùy chỉnh và có sẵn, một số lấy từ công nghệ trên điện thoại di động, bao gồm hai camera.

Trước Ingenuity, F Prime đã từng được ứng dụng trên tàu vũ trụ, hoạt động thành công trên thiết bị khuếch tán kế ở Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ năm 2014 và vệ tinh ASTERIA CubeSat của JPL năm 2017. Trong tương lai, theo dự kiến, F Prime sẽ được ứng dụng trong các dự án, bao gồm Lunar Flashlight CubeSat của NASA chuyên tìm kiếm băng ở miệng hố Mặt Trăng, Near-Earth Asteroid Scout CubeSat phụ trách lập bản đồ tiểu hành tinh và thiết bị Ocean Worlds Life Surveyor của JPL, giúp tìm kiếm dấu hiệu sự sống trong hệ Mặt Trời.

Aadil Rizvi, trưởng nhóm phần mềm bay trong dự án Lunar Flashlight và NEA Scout ở JPL, cho biết F Prime cung cấp giải pháp đột phá cho một số dịch vụ phần mềm, bao gồm truyền lệnh, viễn trắc, lập trình tự cho tàu vũ trụ. Công cụ tự mã hóa cũng khiến F Prime có độ linh động cao để dùng trong nhiều nhiệm vụ.

(vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *