Đài quan sát tia X Chandra chụp ảnh cấu trúc giống bàn tay khổng lồ hình thành từ vụ nổ siêu tân tinh cách Trái Đất 17.000 năm ánh sáng.
NASA hôm 24/6 đăng lên website ảnh chụp của Đài quan sát tia X Chandra thể hiện một cấu trúc giống bàn tay đang chạm vào đám mây phát sáng giữa vũ trụ. Nó hình thành khi một ngôi sao lớn chết trong vụ nổ siêu tân tinh, để lại xác sao siêu đặc và xoay rất nhanh gọi là sao xung.
Sao xung thổi ra một bong bóng gồm các hạt năng lượng bao quanh mình, kết hợp với những mảnh vụn bắn ra từ vụ nổ siêu tân tinh, tạo nên cấu trúc giống bàn tay dài 150 năm ánh sáng. Cấu trúc phát sáng mà bàn tay chạm vào là đám mây khí khổng lồ mang tên RCW 89.
Tàn dư siêu tân tinh nằm ở trung tâm bàn tay mang tên MSH 15-52, cách Trái Đất khoảng 17.000 năm ánh sáng. Các nhà thiên văn cho rằng ánh sáng từ vụ nổ chạm tới hành tinh xanh khoảng 1.700 năm trước. Điều này khiến MSH 15-52 trở thành một trong những tàn dư siêu tân tinh trẻ nhất từng ghi nhận thuộc dải Ngân Hà.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Astrophysical Journal Letters, sóng từ vụ nổ siêu tân tinh ở các đầu ngón tay đang di chuyển với vận tốc 14,5 triệu km/h, vật chất ở gần lòng bàn tay thậm chí còn nhanh hơn, vượt ngưỡng 17,7 triệu km/h. Tuy nhiên, những con số này thực chất cho thấy “bàn tay” đang giảm tốc độ vươn ra. Các nhà nghiên cứu ước tính, để tới rìa xa nhất của RCW 89, vật chất phải di chuyển với vận tốc trung bình khoảng 48,2 triệu km/h.
Sự khác biệt về tốc độ cho thấy, vật chất từ vụ nổ siêu tân tinh đã đi qua một vùng khí mật độ thấp và giảm tốc đáng kể khi lao vào RCW 89. Nhóm vận hành Chandra cho biết, ngôi sao chết có thể đã tạo ra vùng khí này ngay trước lúc nổ, khi phần lớn lớp hydro bên ngoài bong ra.
Đài quan sát tia X Chandra là kính viễn vọng không gian phóng lên quỹ đạo Trái Đất nhờ tàu con thoi Columbia vào tháng 7/1999. Nó là một trong 4 “Đài quan sát vĩ đại” của NASA, phóng lên không gian từ năm 1990 – 2003. Ba đài quan sát còn lại gồm kính viễn vọng không gian Hubble (hiện vẫn hoạt động), Đài quan sát tia gamma Compton (dừng hoạt động năm 2000) và kính viễn vọng không gian Spitzer (dừng hoạt động năm 2020).
(vnexpress)