Vận tải khách nội địa sụt giảm nghiêm trọng, đường bay quốc tế bị “đóng băng”, các hãng đã “bẻ lái” sang chở hàng hóa. Thậm chí, Việt Nam được chọn là điểm trung chuyển hàng hóa lớn nhất khu vực.
Nghịch cảnh thị trường
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, 2 đợt dịch bùng phát rất mạnh “dội” trúng vào giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán và nghỉ hè (30/4-1/5), đã gây cú sốc lớn cho thị trường hàng không nội địa. Đặc biệt, từ ngày 31/5 – khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không đã sụt giảm nghiêm trọng.
“Sản lượng hàng ngày sụt giảm chỉ còn 20-30% so với giai đoạn tháng 3-4, thậm chí, các ngày của 2 tuần đầu tháng 6 chỉ tương ứng 5-10% lượng vận chuyển trung bình tháng 4” – lãnh đạo Cục Hàng không nói.
Với tình hình biến động liên tục như thời gian qua, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam 6 tháng đầu năm ước đạt 26,8 triệu lượt hành khách, giảm 19,4% so cùng kỳ 2020.
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VBA) đưa ra dự báo năm nay doanh thu của các hãng hàng không trong nước vẫn tiếp tục giảm sâu, mức lỗ trên 15.000 tỷ đồng.
Theo VBA, doanh thu vận tải hàng không trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát có mức tăng bình quân hàng năm từ 15%-20%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất tiêu cực tới hoạt động của ngành hàng không.
Cụ thể, doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt Nam giảm trên 60%, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng; các hãng ghi nhận mức lỗ 16.000 tỷ đồng, số tiền nộp ngân sách cũng bị giảm tương ứng. Trong khi đó, năm 2019, các hãng hàng không nộp thuế, phí trực và gián tiếp trên 20.000 tỷ đồng.
Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã lên tới 36.000 tỷ đồng, trong đó riêng Vietnam Airlines là 20.000 tỷ đồng. Doanh thu giảm sâu, riêng tháng 5 và tháng 6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020, khiến các hãng càng suy kiệt. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng vẫn phải chi hơn 100 tỷ đồng/ngày.
Ngược dòng “bão” Covid-19
Tại Việt Nam, trong bối cảnh vận tải hành khách bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng vì Covid-19 thì hoạt động chở hàng hóa của các hãng bay lại tăng lên, giúp tình hình thị trường hàng không nói chung phần nào bớt u ám.
Bằng chứng là sản lượng hàng hóa vận chuyển theo đường hàng không trong 6 tháng qua đạt con số 668.000 tấn, tăng 12,7% so cùng kỳ 2020. Trong đó, hàng hóa quốc tế là 490.000 tấn, tăng 18,1% và 179.000 tấn hàng hóa nội địa, tăng 0,3%. Rõ ràng, phân khúc thị trường hàng hóa đang chiếm ưu thế và nỗ lực cải thiện doanh thu được các hãng tận dụng triệt để.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, khách đi máy bay giảm mạnh nhưng nhu cầu vận chuyển hàng hóa lại tăng. Vì vậy, hãng chuyển hướng chở hàng nhằm tối ưu hóa khai thác đội tàu bay sẵn có, đây là giải pháp hiệu quả, đóng góp một phần doanh thu cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mới đây, Công ty cổ phần IPP Air Cargo – công ty con của tập đoàn kinh doanh bán lẻ IPP đang chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế tại Việt Nam – do ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch Hội đồng quản trị đã quyết định đầu tư một hãng bay chở hàng của riêng mình. Động thái này được giới phân tích đánh giá là khôn ngoan và sáng cửa, bởi Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên biệt về chở hàng.
IPP Air Cargo đặt ra lộ trình dự án được phê duyệt và nhận giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào quý III, lấy chứng chỉ nhà khai thác tàu bay trong quý IV năm nay và thực hiện chuyến bay chở hàng đầu tiên vào quý II/2022. Hiện hồ sơ của doanh nghiệp này đang được các bộ, ngành xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và cấp phép hoạt động.
Trong một diễn biến có liên quan, Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện có khoảng 30 hãng hàng không từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến bay đi/đến Việt Nam. Đáng nói, ngoài hoạt động nhân đạo thì mục tiêu của các hãng hàng không này là vận chuyển hàng hóa, điều này cũng dễ hiểu bởi hầu hết thị phần vận tải hàng hóa qua đường hàng không quốc tế của Việt Nam đều do hãng nước ngoài khai thác.
Đại dịch Covid-19 đã làm nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng đáng kể, tạo ra sự bùng nổ của thương mại điện tử tại châu Á. Đây cũng chính là tác nhân chính thúc đẩy tăng trưởng số lượng hàng hóa vận chuyển trong khu vực của DHL Express trong đó có Việt Nam.
Cuối tháng 6, đơn vị này đầu tư chuyến bay riêng để chuyên chở hàng từ trung tâm trung chuyển châu Á của DHL Express tại Hồng Kông đến TPHCM của Việt Nam và ngược lại, với tần suất 6 chuyến bay thẳng một chiều/tuần, 62 tấn hàng mỗi chuyến.
Đông Nam Á có mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á và thị trường thương mại điện tử được dự báo sẽ đạt 172 tỷ USD vào năm 2025. Theo một nghiên cứu vào năm 2020, các nhà cung cấp muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam khi thị trường có lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến mảng bán hàng trực tuyến tăng lên gấp 5 lần, mức tăng trưởng về thương mại điện tử hàng năm ghi nhận tại Việt Nam là 46%.
Trước nỗ lực tiêm vắc xin phòng Covid-19 đang được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, Cục Hàng không Việt Nam kỳ vọng từ nửa cuối năm nay tình hình thị trường sẽ cải thiện so với năm 2020.
Đặc biệt, theo Cục Hàng không, nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, đây là cơ sở để Việt Nam từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý III, đầu quý IV tới.
“Dự báo, thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý III với sản lượng thông qua các cảng hàng không ước đạt trên 70 triệu hành khách” – Cục Hàng không thông tin.
(theo Dân trí)