Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho các chương trình không gian vũ trụ những năm gần đây, song họ vẫn còn một khoảng cách xa so với Mỹ.
Tham vọng không gian Trung Quốc bắt đầu gây được chú ý sau khi nước này tuần qua đưa thành công ba phi hành gia vào quỹ đạo để hoàn thành công việc trên trạm vũ trụ đầu tiên của họ. Nó đánh dấu một bước tiến mới trong cuộc đua không gian giữa Trung Quốc với đối thủ Mỹ, song giới phân tích cho rằng nếu muốn bắt kịp Washington, Bắc Kinh vẫn còn cả chặng đường dài phải đi.
Tàu vũ trụ Thần Châu chở ba phi hành gia Trung Quốc cất cánh hôm 17/6 từ Trung tâm phóng Vệ tinh Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi. Họ sẽ dành ba tháng trên module Thiên Hà, dài 16,6 m, rộng 4,2 m, là phần đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Cung trong giai đoạn đầu xây dựng ở quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Đây là chuyến bay vào vũ trụ có phi hành đoàn đầu tiên được Trung Quốc thực hiện trong gần 5 năm qua và là bước phát triển mới nhất trong một chương trình không gian đang không ngừng tạo ra những tiến bộ nhanh chóng, biến Bắc Kinh thành một đối thủ đáng gờm trong cuộc đua không gian.
Trung Quốc đang rút ngắn khoảng cách với Mỹ, nước đã đưa phi hành gia vào quỹ đạo lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ khi NASA cho nghỉ hưu toàn bộ phi đội tàu con thoi hồi năm 2011. Điều này khiến Mỹ phải phụ thuộc vào cơ quan vũ trụ Nga để đưa phi hành gia của mình lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Nhiệm vụ của các phi hành gia là thử nghiệm các thiết bị và công nghệ không chỉ mới mẻ đối với chương trình không gian của Trung Quốc mà còn với cả thế giới. Một số trong đó, như động cơ ion cung cấp năng lượng cho module, chưa từng được sử dụng cho các chuyến bay chở phi hành đoàn trước đây.
Nền tảng cơ bản cho tham vọng chinh phục không gian của Trung Quốc là loạt tên lửa đẩy Trường Chinh và các tên lửa khác. Chúng được dùng để đưa một tàu thăm dò lên “phần tối” Mặt Trăng trong cuộc hạ cánh lịch sử năm 2019, đưa tàu thăm dò lên Sao Hỏa hồi năm ngoái và cho trạm vũ trụ mới.
Những tên lửa này còn được sử dụng để đưa gần như tất cả vệ tinh hiện có của Trung Quốc lên quỹ đạo.
Tổng cộng, Bắc Kinh đã thực hiện 340 vụ phóng lên vũ trụ tính đến năm 2020 và trong thập kỷ qua, các bệ phóng của họ trở nên bận rộn bậc nhất thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc triển khai 39 vụ phóng, so với 44 vụ của Mỹ.
Nửa cuối năm nay, hơn 40 vụ phóng khác được lên kế hoạch thực hiện, đánh dấu một kỷ lục đối với Trung Quốc, theo Sách Xanh 2020 về Hoạt động Khoa học Công nghệ và Hàng không Vũ trụ Trung Quốc. Chúng sẽ bao gồm các vụ phóng đưa tàu chở hàng thứ hai lên trạm vũ trụ vào tháng 9 và một tàu vũ trụ chở phi hành đoàn khác vào tháng 10. Một loại tên lửa tải trọng hạng trung mới, Trường Chinh 6A, dự kiến cũng ra mắt trong năm 2021.
Tất cả những bước phát triển đó giúp Trung Quốc vươn lên đáng kể trong cuộc đua không gian với Mỹ. Quan chức cấp cao NASA Bill Nelson tại một phiên điều trần của quốc hội Mỹ hồi tháng trước đã nêu lên những quan ngại về chương trình không gian Trung Quốc.
“Họ sẽ đưa người lên Mặt Trăng. Điều này nên là lời nhắc nhở chúng ta đã đến lúc phải rũ bỏ lớp bụi phủ và khiến hệ thống đưa người lên không gian của ta hoạt động mạnh mẽ trở lại”, ông nói, nhắc đến kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030 mà Bắc Kinh đặt ra.
Tuy nhiên hiện tại, tham vọng đó vẫn nằm ngoài tầm với Trung Quốc. Tên lửa mạnh nhất họ sở hữu, Trường Chinh 5, chỉ mang được tải trọng tối đa 25 tấn vào quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Trường Chinh 5 có thể sánh ngang với các tên lửa của châu Âu hay Nga nhưng chưa thể theo kịp mẫu tên lửa Falcon Heavy Mỹ với tải trọng đến 63,8 tấn.
Hai tên lửa siêu tải trọng dùng trong sứ mệnh Mặt Trăng và các nhiệm vụ không gian quan trọng khác mới đang được Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc phát triển.
Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trong một báo cáo hồi tháng trước đánh giá Trung Quốc thực tế vẫn đi sau các cường quốc không gian khác.
“Dù Trung Quốc đã có những bước tiến lớn về không gian, năng lực phóng tổng thể và tải trọng tên lửa của họ vẫn tụt hậu so với những cường quốc vũ trụ lâu đời hơn như Mỹ”, báo cáo cho hay.
Trung Quốc cũng tụt hậu so với Mỹ về vệ tinh. Họ đang vận hành 13,6% vệ tinh trên quỹ đạo, tính đến tháng 3 năm 2020, tương đương 363 chiếc. Con số này lớn hơn gấp đôi số vệ tinh của Nga nhưng chưa là gì so với Mỹ, quốc gia sở hữu 1/2 số vệ tinh đang quay trên quỹ đạo Trái Đất.
Tổng cộng, Mỹ đã phóng 916 tàu vũ trụ, bao gồm cả tàu đưa vệ tinh lên không gian, trong năm ngoái, so với con số 85 của Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh tay vào chương trình không gian và họ hiện là nước chi nhiều thứ hai thế giới cho tham vọng này, nhưng vẫn bị Mỹ bỏ xa. Ngân sách không gian của Trung Quốc là 5,8 tỷ USD năm 2018, trong khi của Mỹ là 40,1 tỷ USD, theo báo cáo từ CSIS.
Bình luận viên quân sự Hong Kong Tống Trung Bình cho rằng khoảng cách giữa Washington và Bắc Kinh vẫn rất đáng kể và dù Trung Quốc đang đạt được những tiến bộ nhanh chóng, họ vẫn có thể mất nhiều năm nữa mới bắt kịp Mỹ.
“Đây là một phần trong cuộc cạnh tranh chiến lược tổng thể giữa họ”, Tống nói. “Nhưng mối đe dọa từ Trung Quốc trong không gian thực sự chỉ mang tính lý thuyết hơn là thực tế”.
(theo vnexpress)