Bay thẳng tới Mỹ, Vietnam Airlines nói rằng sẽ là “ném tiền qua cửa sổ” bởi mỗi năm sẽ lỗ khoảng 30 – 50 triệu USD. Bamboo Airways lại khẳng định lãi lớn. Vậy đâu là sự thật?
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 đang gây thiệt hại nặng nề, khi hàng không thế giới đang “chao đảo” thì Vietnam Airlines và Bamboo Airways liên tục đưa ra các thông tin thể hiện quyết tâm bay thẳng tới Mỹ ngay trong năm nay.
Chạy đà và bài toán lỗ – lãi
Bamboo Airways vừa bất ngờ công bố được cơ quan chức năng Mỹ cấp slot (giờ cất – hạ cánh) bay thẳng thường lệ tới sân bay San Francisco và Los Angeles tại bang California, bắt đầu từ ngày 1/9 năm nay. Đây là lần đầu tiên Bamboo Airways được cấp slot bay Mỹ.
Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Bamboo Airways – cho biết hãng dự kiến triển khai các chuyến bay quốc tế không thường lệ (charter) tới Mỹ từ tháng 7/2021 và các chuyến bay thẳng thương mại giữa TP.HCM và San Francisco từ tháng 9/2021. Tần suất ban đầu khoảng 4 chuyến/tuần và tùy tình hình sẽ dần nâng lên 7 chuyến/tuần.
“Bay thẳng tới Mỹ, Bamboo Airways sẽ lãi trên dưới 8 tỷ đồng/chuyến khai thác bằng máy bay Boeing 787-9 và mức lãi lên tới 28 tỷ đồng/chuyến khi bay Mỹ bằng Airbus 350. Đây là những tính toán rất khả thi, những con số biết nói và chính xác, không lo lỗ”, ông Trịnh Văn Quyết từng khẳng định.
Trên thực tế, việc thiết lập đường bay thẳng tới Mỹ là mục tiêu được Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đặt ra từ năm 2004, ngay khi Hiệp định hàng không Việt Nam – Hoa Kỳ được ký kết (năm 2003) và cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng giữa 2 nước.
Trong gần 20 năm, Vietnam Airlines đã nhiều lần “chạy đà” để thẳng cánh bay tới Mỹ, nhưng cho tới nay chiến lược bay xuyên lục địa với “giấc mơ Mỹ” của Vietnam Airlines vẫn chưa thể hiện thực hóa do vướng nhiều rào cản ngặt nghèo từ phía Mỹ, hãng này cũng phải cân nhắc giữa nhiệm vụ chính trị và hiệu quả kinh tế của đường bay.
Cần phải nói thêm rằng, từ tháng 10/2020, nhà chức trách hàng không Mỹ đã cấp cho Vietnam Airlines slot bay thẳng thương mại thường lệ. Tuy nhiên, do chưa khai thác bay theo kế hoạch nên hãng này đã trả lại slot bay theo quy định hồi đầu năm 2021.
Một chuyên gia kỳ cựu về hàng không dân dụng cho biết: “Slot bay chỉ là 1 trong rất nhiều thủ tục phải thực hiện khi xin phép bay. Theo quy định, sau khi được cấp slot, nếu quá 5 tuần mà hãng bay không sử dụng hoặc không khai thác theo kế hoạch thì buộc phải trả lại. Nhà chức trách cũng thu hồi nếu hãng bay không khai thác hết 80% slot được cấp theo mùa. Ở Mỹ, có những sân bay không cần phải xin slot mà chỉ cần thông báo về kế hoạch khai thác là có thể bay. Họ thường tạo điều kiện tối đa cho các hãng mới nhằm đa dạng hóa mạng bay”.
Tháng 3 vừa qua, Vietnam Airlines một lần nữa quyết định bay thẳng tới Mỹ trong năm nay và thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, hãng mở các chuyến bay dưới hình thức khai thác thương mại không thường lệ, phục vụ nhu cầu hồi hương người Việt Nam tại Mỹ từ tháng 5/2021, đây cũng là giai đoạn khởi động và thử nghiệm đường bay thẳng. Giai đoạn 2, từ năm 2022, hãng chính thức khai thác bay thẳng thương mại thường lệ tới Mỹ.
Ông Lê Hồng Hà – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines – cho Dân trí biết: “Từ lâu chúng tôi đã có những đánh giá kỹ lưỡng về thị trường và hiệu quả kinh tế của đường bay Mỹ. Bay thẳng dự kiến sẽ lỗ khoảng 30 – 50 triệu USD/năm và sẽ phải mất 5 năm mới hòa được vốn. Vietnam Airlines tính toán sẽ phải có một điểm dừng kỹ thuật, dự kiến là Nhật Bản”.
Theo CEO Vietnam Airlines, trước mắt, hãng bay Mỹ thương mại không thường lệ để đưa người Việt hồi hương. Đây sẽ là những chuyến bay “tiền trạm” để Vietnam Airlines tiếp tục có những đánh giá cụ thể hơn trong tình hình mới và chuẩn bị thị trường cho giai đoạn 2″.
Được biết, ngày 22/4/2021, Bộ Giao thông vận tải của Hoa Kỳ (DOT) đã cấp phép bổ sung cho Vietnam Airlines thực hiện 12 chuyến bay charter.
“Soi” hàng rào an ninh Mỹ
Trao đổi với Dân trí sáng nay (10/5), lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết: Để bay thẳng tới Mỹ, điều kiện quan trọng và tiên quyết nhất là phải có Chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1) của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Việt Nam đã đạt được CAT1 từ năm 2019 và hiện đang chờ Mỹ cấp thương quyền bay.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, CAT1 giúp xóa bỏ những rào cản ngặt nghèo về tiêu chuẩn an toàn và năng lực giám sát của hàng không Liên bang. Tuy nhiên, đây là công nhận của FAA với nhà chức trách, còn với hãng bay lại là một quy trình khác, với rất nhiều thủ tục pháp lý vô cùng phức tạp.
Ngay cả khi hãng hàng không đã được Bộ Giao thông vận tải Mỹ cấp phép bay thương mại chở khách, FAA phê chuẩn chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và cấp bằng chứng huấn luyện nhà cung cấp dịch vụ… thì vẫn chưa thể cất cánh bay vào Mỹ, bởi “rào cản” lớn nhất chính là vấn đề an ninh hàng không.
Theo lãnh đạo Cục HKVN, vấn đề an ninh hàng không Mỹ hết sức ngặt nghèo. Các hãng hàng không muốn bay đến Mỹ phải được cơ quan quản lý an ninh hàng không Mỹ phê chuẩn toàn hệ thống. Các sân bay xuất phát từ Việt Nam cũng phải được cơ quan chức năng của Mỹ phê chuẩn đủ điều kiện về an ninh hàng không.
Bộ An ninh nội địa Mỹ (TSA) là cơ quan trực tiếp phê chuẩn chương trình an ninh hàng không, cấp bằng huấn luyện an ninh với nhân viên phục vụ trên chuyến bay đến Mỹ và nhân viên sân bay có chuyến bay xuất phát. Đặc biệt, TSA sẽ trực tiếp kiểm tra an ninh trên chuyến bay bất kỳ đang khai thác của hãng hàng không.
Ngoài ra, muốn bay đến Mỹ phải có tàu bay để đăng ký bay đường dài và bay qua đại dương. “Nếu bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ phải đạt tiêu chuẩn bay 2 động cơ vượt đại dương tối thiểu 180 Etops (phút), hiện ở Việt Nam mới duy nhất Vietnam Airlines đạt tiêu chuẩn này” – lãnh đạo Cục HKVN nói.
Lãnh đạo Cục HKVN cho biết, các dòng máy bay Boeing 787-9, Boeing 787-10 hay Airbus 350 mà Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang sở hữu hiện nay không thể bay thẳng tới Mỹ nếu đầy tải (hơn 300 ghế), bắt buộc phải có ít nhất một điểm dừng. Nếu bay thẳng tới Mỹ không điểm dừng thì chỉ có tàu bay Boeing 777X và Airbus 350-1000 đáp ứng được. Song hiện cả Vietnam Airlines và Bamboo Airways đều không có những loại tàu bay này.
Nói về chuyện lỗ – lãi, lãnh đạo Cục Hàng không nêu quan điểm: “Vietnam Airlines và Bamboo Airways có xuất phát điểm khác nhau, vị trí khác nhau và khả năng quản trị rủi ro giữa 2 hãng không giống nhau. Vì vậy, các hãng đưa ra đánh giá về lợi nhuận, hiệu quả kinh tế của đường bay Mỹ đương nhiên sẽ khác nhau. Tuy nhiên, Mỹ là thị trường cạnh tranh khốc liệt, đây là một thách thức rất lớn với các hãng muốn mở đường bay, trong khi tình hình Covid-19 hiện tại rất khó để đưa ra đánh giá cụ thể về yếu tố thương mại”.
(theo Dân trí)