Space Tango đang phát triển trạm vũ trụ nhỏ và tự động mang tên ST-42, bản thử nghiệm dự kiến phóng lên không gian năm 2023.
Space Tango, công ty có trụ sở tại Lexington, Kentucky, có những hộp nghiên cứu nhỏ trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) gọi là CubeLabs. Do nhu cầu thực hiện thí nghiệm tương tự trong môi trường vi trọng lực ngày càng tăng, công ty dự định phóng một trạm vũ trụ riêng mang tên ST-42, theo kỹ sư hàng không vũ trụ Twyman Clements, nhà sáng lập kiêm CEO của Space Tango. Ông không tiết lộ chi phí mà công ty sẽ bỏ ra cho dự án hay chi phí chế tạo trạm vũ trụ, UPI hôm 1/3 đưa tin.
Space Tango lắp đặt hộp thí nghiệm đầu tiên trên trạm ISS năm 2016, hộp thứ hai vào năm 2017. Công ty này sản xuất sợi quang học công nghệ cao, thiết bị y tế và tạo mô người trong môi trường vi trọng lực, chủ yếu bằng công nghệ in 3D tân tiến. Biện pháp này tạo ra những cấu trúc tinh vi hơn dưới mặt đất, nơi trọng lực có thể gây ra những khiếm khuyết.
ST-42 trang bị pin mặt trời để cung cấp điện và tấm chắn nhiệt. Nội thất của trạm sẽ được điều chỉnh tùy theo yêu cầu của mỗi nhiệm vụ, Clements cho biết. Các chuyên gia đã nghiên cứu thiết kế ST-42 khoảng hai năm.
Space Tango đang lựa chọn nhiên liệu đẩy cho trạm. “Chúng tôi không nhất thiết sẽ dùng hydrazine, loại nhiên liệu đẩy thông dụng ngoài không gian”, Clements nói. Hydrazine là một hóa chất dễ nổ và độc hại mà nhiều vệ tinh đang dùng làm nhiên liệu. Tuy nhiên, Space Tango có thể sẽ tìm một chất thay thế thân thiện với môi trường hơn.
Space Tango cũng chưa lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phóng tên lửa. Họ đang cân nhắc SpaceX, Rocket Lab và một số công ty khác.
Nguyên mẫu của ST-42 dự kiến phóng lên năm 2023. Đây là phiên bản chưa có tấm chắn nhiệt mà chỉ nhằm thử nghiệm khả năng phóng và bay trong không gian. Những tàu vũ trụ như vậy thường ở lại trên quỹ đạo Trái Đất thấp khoảng hai tuần, theo Clements. ST-42 dự kiến lao xuống vùng biển gần Florida.
Techshot, công ty có trụ sở tại Indiana, Mỹ, cũng đã gửi dụng cụ thí nghiệm lên trạm ISS. Trong tương lai, Techshot có thể sẽ gửi một số bộ thí nghiệm lên ST-42 nếu có cơ hội.
“Trạm ISS là lựa chọn tốt nhất đến nay và NASA cũng dự định tăng sức chứa của trạm. Tuy nhiên, phần lớn các thí nghiệm đó cần phi hành gia. Một trạm vũ trụ độc lập và tự động trên quỹ đạo sẽ là giải pháp thay thế tốt”, Rich Boling, phó chủ tịch Techshot, cho biết.
(theo vnexpress)