Phần lớn các ngôi nhà ở Cameron Airpark Estates, bang California đều có garage rộng lớn để cất máy bay tư nhân.
Sau Thế chiến II, những vùng ngoại ô tại Mỹ ra đời với thiết kế thoáng đãng để trở thành một nơi để cư dân thoát khỏi đô thị đông đúc, bắt đầu một cuộc sống mới lý tưởng, đặc biệt với những ai sở hữu ôtô. Một vùng ngoại ô ở California đã tiến xa hơn thế khi tạo ra một cộng đồng tập trung quanh một sân bay dành cho các phi công và những người đam mê hàng không, để họ có thể cất máy bay ngay tại nhà.
Đó là Cameron Airpark Estates, một phần của công viên Cameron nằm gần thành phố Sacramento. Được xây dựng vào năm 1963 cùng sân bay Cameron Park, khu dân cư này có 124 ngôi nhà, còn lại khoảng 20 lô đất trống. Đường sá tại đây rộng khoảng 30 m để phi công có thể lái máy bay từ sân bay về thẳng nhà.
Kevin Cooksy, quản lý khu dân cư, cho biết đường phố tại đây phải rộng hơn đường băng tại sân bay để máy bay và ô tô đi ngược chiều an toàn. Cư dân sở hữu máy bay còn có điều khiển từ xa để mở cổng điện của sân bay, ra vào tùy ý.
Từ khu vực vịnh San Francisco Bay Area, Cooksy quyết định chuyển đến khu dân cư này để có thể sống ở vùng núi Sierra Vevada. Nhiều năm qua, anh đi làm bằng máy bay nên tiết kiệm được hàng giờ mỗi ngày.
Năm 2003, Burl Skaggs, một phi công tư nhân, cũng chuyển đến Cameron Airpark Estates từ Bay Area. Anh bị thu hút bởi giá nhà hấp dẫn và garage khổng lồ chứa máy bay. Từ đó Skaggs mua một chiếc máy bay nhỏ.
Trong 7 năm liền, sáng nào kỹ sư cơ khí này cũng đi làm ở Palo Alto, nơi cách nhà 240 km, bằng máy bay để tiết kiệm thời gian. “Thay vì ngồi ôtô mất 2,5-3 tiếng mỗi ngày, tôi chỉ mất 35-40 phút lái máy bay. Hiện tôi không đi làm xa nữa, nhưng vẫn sở hữu một chiếc máy bay lái chơi”, Skaggs nói. Anh cho biết thêm Cameron Airpark Estates là một cộng đồng đặc biệt ở California, do một hội đồng bầu cử gồm năm thành viên điều hành, trong đó anh là chủ tịch.
Còn Julie Clark là một phi công trình diễn vừa nghỉ hưu. Bà còn là một trong những nữ phi công thương mại đầu tiên của Mỹ, sống tại khu dân cư này từ năm 1983. Khi Clark bị ốm cách đây vài năm, hàng xóm đã mang thức ăn đến hỏi thăm sức khỏe và làm giúp vài việc vặt.
“Chúng tôi rất thân thiết. Mọi người đều biết công việc của người khác. Hãy hỏi hàng xóm của tôi xem họ nói gì về tôi, vì họ biết về tôi nhiều hơn tôi”, bà cho hay.
“Đến sân bay bình thường, bạn phải mất một giờ, sau đó tiếp tục đợi hàng giờ để xếp hàng, lấy vé, làm thủ tục… Ở đây, bạn chỉ cần mở cửa garage, khởi động máy bay và lăn bánh trên đường băng rồi cất cánh”, Daniel Kurywchak, chủ tịch Hội Những người bạn của Sân bay Cameron Park, nói.
Bếp nhà Kurywchak nhìn ra đường băng. Điều anh thích nhất là vợ sẽ trông thấy mình từ khu bếp và vẫy tay chào khi anh đang hạ cánh. “Thật độc đáo khi sống ở đây”, anh nói.
Theo Kurywchak, mua một ngôi nhà có garage cất máy bay ở đây không dễ dàng. “Về cơ bản bạn phải đợi chủ cũ chết”, anh cho biết. Kurywchak đã sống ở đây 5 năm. Ngay khi nghe tin có người rao bán nhà, anh vội vàng mua gấp ngay trong ngày. “Bạn phải hành động ngay lập tức, vì số lượng nhà có hạn”. Ngôi nhà duy nhất rao bán trên mạng hiện nay có giá 1,5 triệu USD.
Mặc dù không phải là sân bay duy nhất trên thế giới, nhưng người dân tin rằng Cameron Airpark Estates là đặc biệt. Người dân ở quanh đây có chung sở thích về hàng không và rất thân thiết, yêu quý nhau. Họ là những phi công già đến những chàng trai trẻ mới vào nghề.
Kurywchak nói rằng khách du lịch ghé thăm khu phố này sẽ thấy một cảnh tượng thú vị. Đó là chỉ cần một chiếc phi cơ bay qua, tất cả sẽ ngừng làm mọi thứ và nói về nó. Những người lái máy bay đi làm cũng rất có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiếng ồn, lệnh giới nghiêm để không ảnh hưởng tới hàng xóm.
Người dân quyết định xây dựng khu phố này thành một nơi mọi người chung sở thích. Quy tắc ngầm là garage máy bay nào đang mở, chủ nhà đó đang chào đón những vị khách hiếu kỳ. Ngoài ra, khu phố thường tổ chức nhiều sự kiện hàng năm như Halloween, Giáng sinh…, dù vậy trong thời điểm này chúng hầu hết đều bị hoãn vì Covid-19.
Tuy vậy, không phải ai sống ở đây cũng có máy bay, hoặc là người đam mê hàng không. Họ có thể là những người sưu tập xe hơi và garage cũng đồ sộ không kém. Không chung đam mê máy bay cũng khiến những cư dân thiểu số đôi khi bối rối, bởi họ sẽ không muốn đóng góp phí bảo trì đường băng.
(theo vnexpress)