Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết sẽ sớm triển khai lại đường bay quốc tế một cách thận trọng cùng việc thí điểm “hộ chiếu vắc xin”. Hãng cũng lên kế hoạch thành lập hãng hàng không hàng hoá.
Cuối tháng 7 triển khai “hộ chiếu vắc xin”
Theo ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch HĐTV VNA, “năm 2020, ngành hàng không báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra dự báo xấu, nhưng năm 2021 còn xấu hơn những gì chúng ta tưởng tượng ra”.
Theo đó, tết Nguyên đán là cao điểm, nhưng ngành hàng không bị đợt dịch thứ 3 và đợt thứ 4 rơi tiếp vào cao điểm hè, trong khi dịch càng ngày càng diễn biến phức tạp. Trước đây, mỗi ngày VNA bay 500 – 550 chuyến, nhưng hiện nay chỉ duy trì 40 chuyến/ngày, chủ yếu chở hàng hoá phục vụ các tỉnh đang bị cách ly và giữ giao thông tối thiểu của kinh tế đất nước, hành khách rất ít.
Hiện, VNA có tới 9.700 cán bộ, công nhân viên không có việc làm, giờ bay rất thấp. Hãng đang cố gắng duy trì việc làm luân phiên cho phi công, tiếp viên, lượng lao động gián tiếp có tới 30% đang tạm ngưng hợp đồng, 70% đi làm luân phiên. Ngoài chính sách hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng với người đang tạm ngưng việc, để tinh giảm biên chế, hãng cũng khuyến khích người lao động nghỉ hưu sớm.
Lãnh đạo VNA cũng cho biết, kịch bản thị trường 2021 rất xấu, song các hãng cũng đang hy vọng quyết tâm chiến dịch tiêm vắc xin lớn của Chính phủ sẽ giúp hàng không phát triển trở lại vào cuối quý 3, đầu quý 4 năm nay.
|
Để khắc phục khó khăn, VNA cũng tìm mọi cách tăng thu, trong đó về thị trường nội địa tăng cường hàng hoá, hành khách. Với thị trường quốc tế, hãng đang báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành triển khai “hộ chiếu vắc xin”.
Dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ áp dụng với những người đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi, việc mở lại đường bay quốc tế với hộ chiếu vắc xin sẽ được triển khai một cách thận trọng. “Hiện doanh thu bay quốc tế bao gồm cả các chuyến giải cứu, hồi hương… chỉ chiếm 1% doanh thu VNA, nên chúng tôi rất mong mở lại đường bay quốc tế”, ông Hoà nói.
VNA sẽ lập hãng hàng không hàng hoá
Một điểm sáng trong bối cảnh khó khăn là doanh thu hàng hoá của VNA tăng nhanh, từ 10% trước đây lên 30%, tháng 6 doanh thu hàng hoá, thậm chí vượt doanh thu hành khách. “Đây là tiền đề để VNA nghiên cứu lập hãng hàng không hàng hoá trong tương lai”.
Cụ thể hơn, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc VNA, cho biết hãng đã tháo ghế vận chuyển hàng 5 máy bay A350, tăng công suất cõng hàng lên gấp đôi, 3 máy bay A321 cũng tháo ghế để vận chuyển hàng. VNA là hãng đầu tiên vận chuyển hàng hóa trên cabin và tháo ghế.
“Trong dự án thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa, VNA đã nghiên cứu từ 4 năm nay khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt, nhưng việc tổ chức đảm bảo quy mô đủ lớn (đội tàu bay, mạng bay đủ lớn) để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng đi giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Thực tế, với các hãng bay vận tải hàng hóa như Korean Air và China Air có mạng đường bay và đội bay đủ lớn nên mang lại hiệu quả”, ông Hoà nói.
Ngoài ra, theo ông Đặng Ngọc Hoà, năm 2020 hãng đã báo cáo Chính phủ hỗ trợ thanh khoản gói 12.000 tỉ, trong đó 4.000 tỉ đồng vay các tổ chức tín dụng và 8.000 tỉ đồng tăng vốn. Song, con số này chỉ đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh của năm 2020, do số lỗ hợp nhất của VNA năm 2020 đã hơn 11.000 tỉ đồng.
Năm 2021, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, Bộ GTVT và các bộ, ngành đang có nhiều giải pháp giảm, hoãn phí để hỗ trợ toàn ngành hàng không, trong đó có VNA. Theo ông Hoà, hãng sẽ tiếp tục kiến nghị giảm thêm chi phí cất hạ cánh, thuế, bên cạnh nỗ lực tự thân tiết giảm chi phí (khoảng 6.800 tỉ đồng).
Đặc biệt, VNA sẽ tái cơ cấu tổng thể từ hành chính, nhân lực, đội bay và các danh mục đầu tư. Hãng sẽ thoái vốn một số đầu tư bên ngoài để đảm bảo tài chính, báo cáo tăng vốn tiếp và phát hành trái phiếu chuyển đổi. “VNA sẽ tiếp tục đề xuất các chính sách vĩ mô với thị trường hàng không, để khi thị trường phục hồi, các hãng bay trong nước đủ sức cạnh tranh với khu vực”, ông Hoà nói.
(theo Thanh Niên)