Theo NASA, vành đai sao Thổ sẽ trở nên vô hình vào năm 2025. Từ Trái đất, người xem sẽ gần như không nhìn thấy vành đai đặc trưng này.
Các chuyên gia từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) giải thích sao Thổ quay quanh Mặt trời theo chu kỳ khoảng 29,5 năm. Trong suốt chu kỳ, góc nghiêng của vành đai sao Thổ so với Trái đất cũng sẽ thay đổi.
Hiện tại, góc nghiêng giữa vành đai sao Thổ và Trái đất ước tính đang là 9o. Góc nghiêng này sẽ tiếp tục nhỏ thêm, đến năm 2024 chỉ còn 3,7o.
Đến năm 2025, góc nghiêng này gần như bằng 0o, nghĩa là Trái đất và các vành đai sao Thổ như đang thẳng hàng.
Vấn đề là dù các vành đai của sao Thổ có cấu trúc khổng lồ kéo dài từ 70.000km đến 140.000km, nhưng độ dày thì chỉ khoảng 10m, rất “mỏng” khi ở ngoài không gian.
Kết hợp với khoảng cách giữa Trái đất và sao Thổ lên đến 1,2 tỉ km, trong thời điểm vành đai sao Thổ và Trái đất gần như thẳng hàng, bạn sẽ rất khó quan sát vành đai này nếu nhìn từ mặt đất. Các vành đai như “biến mất” với góc nhìn chính diện.
Tất nhiên sau đó, dần dần góc nghiêng của vành đai sao Thổ và Trái đất gia tăng trở lại khi chu kỳ quay của hành tinh này vẫn tiếp tục.
Thời điểm vành đai sao Thổ “biến mất” năm 2025 không phải lần đầu diễn ra. Gần đây nhất, những sự kiện tương tự đã xảy ra vào các năm 2009 và 1996. Sự kiện tương tự tiếp theo diễn ra vào năm 2038.
Trong những lần ấy, dù rất khó nhìn vành đai sao Thổ nhưng các nhà khoa học lại có tầm nhìn thuận lợi với nhiều mặt trăng của sao Thổ.
Vành đai sao Thổ có thể biến mất thật sự?
Từ những dữ liệu thu thập được của tàu thăm dò sao Thổ từ năm 2004 đến 2017, nhà khoa học Paul Estrada của NASA cho rằng các hạt bụi trên vành đai sao Thổ đang có xu hướng ít dần.
Vành đai xoay quanh sao Thổ chủ yếu bao gồm các băng và một tỉ lệ nhỏ bụi đá được hình thành trong không gian do va chạm giữa các mảnh vỡ của tiểu hành tinh và các vi thiên thạch.
Từ năm 2004 đến 2017, các hạt bụi được tàu thăm dò Cassini thu thập được từ sao Thổ ngày càng ít. Với tốc độ đó, ông Paul Estrada ước tính vành đai sao Thổ có thể còn tồn tại trong vài trăm triệu năm nữa. Trong thiên văn, khoảng thời gian này được xem là không còn dài lắm.
(Theo Tuổi Trẻ Online)