TTO – Bắc Kinh tuyên bố vào năm 2023 sẽ phóng kính viễn vọng không gian Xuntian có góc nhìn lớn hơn 350 lần kính Hubble của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Kính viễn vọng không gian Xuntian – Ảnh: TWITTER
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết kính thiên văn “hàng đầu thế giới” này sẽ cung cấp những hiểu biết mới về các thiên hà xa xôi, vật chất tối bí ẩn, năng lượng tối và quá trình tiến hóa trong quá khứ và tương lai của vũ trụ.
Kính viễn vọng không gian Xuntian (CSST) là một đài quan sát quang học trong không gian, cho phép các nhà thiên văn học tiến hành các cuộc khảo sát bầu trời và chụp bản đồ hoặc ảnh chung về bầu trời.
Theo nhà khoa học Li Ran của dự án CSST, Xuntian có thể quét được hình ảnh của 40% bầu trời và chuyển tiếp dữ liệu khổng lồ về Trái đất, để các nhà khoa học trên toàn thế giới kiểm tra.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc còn tuyên bố kính thiên văn sẽ đo vị trí, hình dạng và độ sáng của gần một tỉ thiên hà, điều này có thể giúp giải thích cách chúng tiến hóa.
Kính viễn vọng Xuntian được kết nối với Trạm vũ trụ Tiangong sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022. Kính thiên văn này được đặt trên cùng quỹ đạo với trạm vũ trụ, nhưng bình thường chúng hoạt động cách xa nhau. Chỉ khi cần thiết, kính viễn vọng mới cập bến trạm vũ trụ để tiếp nhiên liệu và bảo dưỡng.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa xã, ông Liu Jifeng, phó giám đốc Đài quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc (NAOC), tuyên bố mặc dù khẩu độ của kính thiên văn là 2m, nhưng nó có trường nhìn lớn hơn gấp 350 lần so với của Hubble.
Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, CSST có thiết kế gồm ống kính có 3 gương, cho phép hình ảnh đạt được chất lượng vượt trội trong phạm vi tầm nhìn lớn.
CSST dự kiến chính thức bắt đầu hoạt động khoa học vào năm 2024. Về lý thuyết, kính viễn vọng này có tuổi thọ sứ mệnh 10 năm.
Kính viễn vọng không gian Hubble (HST) của NASA có một gương chính 2,4m (94 inch), một gương phụ nhỏ hơn và một số thiết bị ghi có thể phát hiện rõ ràng ánh sáng tia cực tím và tia hồng ngoại.
Thiết bị quan trọng nhất của nó, máy ảnh trường rộng, có thể thu được các bức ảnh trường rộng hoặc độ phân giải cao về các hành tinh và các vật thể trong và ngoài thiên hà.
Những phát hiện do Hubble thực hiện được cho là đã biến đổi thiên văn học. Phép đo chính xác đầu tiên của Hubble là tốc độ giãn nở của vũ trụ, đến từ các quan sát của nó về các sao biến quang Cepheid trong các thiên hà lân cận.
Hubble về lý thuyết hoạt động trong 15 năm và hiện đã tồn tại hơn 30 năm.
Trong ba thập kỷ qua, Hubble là kính viễn vọng không gian lớn nhất và mạnh nhất thế giới.
(Theo Tuổi Trẻ Online)