Trong sứ mệnh được triển khai vào năm 2024, Trung Quốc sẽ cố gắng thu thập 2kg mẫu vật từ phía xa của bề mặt Mặt Trăng.
Tên lửa Trường Chinh-5 mang theo tàu thám hiểm Thường Nga-5 rời khỏi bệ phóng tại trung tâm vũ trụ Văn Xương, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngày 24/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng tin RT, ngày 29/9, trên tài khoản Weibo chính thức, Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã công bố thông tin chi tiết về hành trình tiếp theo tới Mặt trăng, đồng thời thông báo kế hoạch khởi động chuyến thám hiểm vào năm tới. Với tên gọi Thường Nga-6, tàu vũ trụ này sẽ đánh dấu nỗ lực thứ hai của Bắc Kinh nhằm thu thập các mẫu vật lý từ vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.
CNSA cho biết dự án đang diễn ra theo kế hoạch và dự kiến triển khai vào năm 2024.
“Khu vực hạ cánh được chỉ định cho tàu Thường Nga-6 nằm ở lưu vực Nam Cực-Aitken ở phía xa của Mặt Trăng, nhằm khám phá và thu thập các mẫu Mặt Trăng từ các khu vực và với độ tuổi khác nhau để nâng cao hiểu biết của nhân loại”, nội dung CNSA đăng tải.
CNSA nói thêm tàu vũ trụ Thường Nga-6 sẽ mang theo các dự án vệ tinh và trọng tải từ bốn quốc gia, bao gồm các cảm biến tiên tiến do Pháp, Italy Pakistan và cơ quan vũ trụ của Liên minh Châu Âu, ESA phát triển.
Để tạo điều kiện liên lạc giữa tàu Thường Nga và các nhà khai thác trên Trái đất, vệ tinh liên lạc chuyển tiếp Queqiao-2 mới được phát triển của Trung Quốc cũng sẽ góp phần thực hiện sứ mệnh. Cơ quan vũ trụ cho biết dự án sẽ hoàn thành vào nửa đầu năm 2024.
Tàu vũ trụ của Trung Quốc đặt mục tiêu thu thập 2 kg vật chất từ bề mặt Mặt Trăng. Dựa vào chúng, các nhà nghiên cứu sẽ phân tích để tìm bằng chứng về băng nước và các hợp chất khác. Trước đó, tàu vũ trụThường Nga-5 phóng năm 2020 của Trung Quốc đã đánh dấu nỗ lực thành công đầu tiên nhằm mang các mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất, đưa Bắc Kinh vào một nhóm nhỏ các quốc gia thực hiện điều này cùng với Mỹ và Liên Xô.
Sau Thường Nga-6, Trung Quốc cho biết họ lên kế hoạch cho hai tàu vũ trụ khác, bao gồm tìm cách đưa tàu đổ bộ robot đến cực Nam của Mặt Trăng và xây dựng một trạm nghiên cứu trong khu vực.
Hiện tại, các quốc gia đều đang nỗ lực tham gia vào một cuộc đua đầy gay cấn lên Mặt Trăng. Mới nhất, trong tháng 8 vừa qua, Ấn Độ tuyên bố đã hạ cánh an toàn tàu vũ trụ lên trên bề mặt Mặt Trăng. Ngoài ra, tàu vũ trụ Luna-25 của Nga cũng cố gắng hạ cánh vào cùng thời điểm nhưng gặp phải vấn đề kỹ thuật dẫn đến thất bại. Tuy nhiên, Tập đoàn Vũ trụ Roscosmos cho biết nỗ lực hạ cánh đã mang lại dữ liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu, bày tỏ hy vọng về các sứ mệnh tương lai của Luna-26, 27 và 28.
Trong khi đó, Nhật Bản đã khởi động sứ mệnh chinh phục Mặt trăng vào đầu tháng này, hy vọng sẽ triển khai một tàu thăm dò trên thiên thể vào năm tới và đạt được mục tiêu hạ cánh chính xác cách địa điểm định sẵn 100 mét.
(Theo Báo Tin Tức)