Trái đất đã ‘nuốt’ một phần phôi hành tinh Theia?

Các nhà khoa học đã đề xuất giả thuyết mới có thể giải quyết cùng lúc hai bí ẩn của thế giới, trong đó một bí ẩn đi ngang bầu trời trái đất mỗi đêm, và một bí ẩn chôn sâu trong lòng địa cầu.

Trái đất đã ‘nuốt’ một phần phôi hành tinh Theia? - Ảnh 1.
Mô phỏng giả thuyết một hành tinh tên Theia đâm vào trái đất sơ khai cách đây 4,5 tỉ năm

Bí ẩn đầu tiên luôn gây thắc mắc cho mỗi công dân trái đất, từ các nhà khoa học đến trẻ nhỏ: mặt trăng từ đâu xuất hiện?

Giải thuyết đang nhận được ủng hộ là mặt trăng được tạo ra khoảng 4,5 tỉ năm trước khi một phôi hành tinh cỡ sao Hỏa đâm vào địa cầu lúc đó đang trong quá trình hình thành.

Kết quả của cuộc va chạm nảy lửa giữa trái đất non trẻ và phôi hành tinh Theia đã tống một khối lượng khổng lồ các mảnh vụn vào không gian, dẫn đến sự xuất hiện của mặt trăng.

Dù vậy, sau nhiều thập niên nỗ lực, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm được chứng cứ cho thấy sự tồn tại của Theia trên vùng không gian quanh địa cầu.

Báo cáo mới do Mỹ dẫn đầu và công bố trên chuyên san Nature cho rằng họ có lẽ đã tìm nhầm hướng.

Trái đất đã ‘nuốt’ một phần phôi hành tinh Theia? - Ảnh 2.
Hai khối vật liệu bí ẩn bám bên trong lòng địa cầu

Ở độ sâu gần 2.900 km trong lòng đất, hai khối vật liệu có hình thù dị dạng và khổng lồ đã gây hoang mang trong giới địa chất học kể từ khi sự tồn tại của chúng được phát hiện sau các đợt sóng địa chấn trong thập niên 1980.

Những khối vật liệu có kích thước cỡ lục địa nằm gần phía đáy lớp manti, với một khối nằm bên dưới châu Phi và khối còn lại bên dưới Thái Bình Dương.

Giờ đây, theo giả thuyết mới, chúng có lẽ là “những tàn tích bị chôn vùi” của phôi hành tinh Theia, được cho sáp nhập với trái đất sau sự kiện va chạm nhiều tỉ năm trước.

Nếu giả thuyết trên được chứng minh trong các cuộc nghiên cứu tương lai, các nhà khoa học trái đất cuối cùng cũng hóa giải được 2 bí ẩn cùng lúc.

(Theo Thanh Niên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *