Giải mật Việt Nam nhờ Nga chế tên lửa cho MiG-21

Ít ai biết rằng, những năm 1960, Việt Nam đã đề xuất Liên Xô phát triển tên lửa không đối đất tăng sức chiến đấu cho tiêm kích đánh chặn MiG-21PFM.

Theo một số tài liệu Nga, năm 1965, Không quân Nhân dân Việt Nam đã đề nghị phía Liên Xô phát triển tên lửa không đối đất nâng sức chiến đấu cho MiG-21PFM. Yêu cầu này đưa ra sau khi Mỹ đưa vào trang bị tên lửa không đối đất có điều khiển AGM-12 Bullpup.

 

Yêu cầu của phía Việt Nam lúc đó là tên  lửa có thể sử dụng các hệ thống điều khiển sẵn có để nhắm các mục tiêu mặt đất do yêu cầu cấp bách trong việc mở rộng khả năng chiến đấu đặc biệt là khả  năng chống lại các mục tiêu mặt đất.

 

Tiêm kích phản lực siêu thanh MiG-21PFM ngoài nhiệm vụ tấn công tiêu diệt mục tiêu trên không (bằng 2 tên lửa đối không tầm nhiệt K-13) thì chỉ mang được 2 bom không điều khiển 500kg cho nhiệm vụ đối đất.
Tiêm kích MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Liên Xô không có loại vũ khí nào đáp ứng được yêu cầu nói trên. Nhằm gấp rút phát triển vũ khí mới, nhà thiết kế Yurii N. Korolyov đã đề xuất ý tưởng phát triển một tên lửa tấn công mặt đất dựa trên tên lửa đối không RS-2-US.

 

Dự án được phê duyệt vào năm 1966 theo quyết định số 100 cấp cho Văn phòng thiết kế Zvezda OKB. Do được cấp phép vào năm 1966 nên loại tên lửa này được đặt tên là Kh-66 hoặc Izdeliye 66.

 

Kh-66 được thiết kế dựa trên khung của tên lửa không đối không RS-2-US với thân tên lửa được kéo dài hơn, đường kính lớn hơn để đáp ứng yêu cầu tăng khả năng công phá của đầu đạn từ 23kg lên 100kg. Tên lửa được trang bị động cơ nhiên liệu rắn PRD-204 cung cấp tốc độ tối đa hành trình 2.700km/h.

 

Tên lửa không đối đất Kh-66 được thiết kế để tiêu diệt các trạm radar, xe bọc thép, tàu hỏa và các xe tải. Tên lửa sử dụng hệ thống điều khiển bằng chùm  sóng radio cho phép phóng tên lửa khi bay ngang mà không cần bổ nhào.
Tên lửa không đối đất có điều khiển Kh-66 trang bị cho MiG-21.
Mỗi chiếc MiG-21PFM chỉ có thể mang được 2 tên lửa Kh-66. Khi chiến đấu, Kh-66 được phóng từ máy bay thông qua thiết bị hỗ trợ APU-68U. Tên lửa nhắm mục tiêu kết hợp giữa radar và kính ngắm quang học CRP-1, sau khi phóng đi tên lửa được điều khiển bằng chùm sóng radio.

 

Kh-66 tồn tại khá nhiều nhược điểm, radar trang bị trên MiG-21PFM chỉ có thể nhìn thấy các mục tiêu mặt đất ở góc từ 10-30 độ, điều này buộc các máy bay phải hạ thấp độ cao để tăng khả năng quan sát. Một hạn chế rất lớn khác là sau khi phóng tên lửa Kh-66 phi công phải nhìn thấy mục tiêu cho đến khi tên lửa chạm đích.

 

Mặt khác hệ thống dẫn hướng của tên lửa cho hiệu quả không cao trong việc chống lại các mục tiêu mặt đất đặc biệt là các mục tiêu dang di chuyển, mục tiêu kích cỡ nhỏ. Cuối cùng thì tầm bắn của tên lửa chỉ có 10km một khoảng cách quá ngắn cho nhiệm vụ tấn công mặt đất dành cho tiêm kích.

 

Các thử nghiệm với Kh-66 gặp khá nhiều khó khăn về kỹ thuật nhất là hệ thống dẫn hướng không đáng tin cậy. Tại Liên Xô các kỹ sư đã phát triển một biến thể khác được gọi là Kh-23 trang bị cho MiG-23 được đưa vào thử nghiệm trong năm 1973.

 

Mặc dù bản thân Kh-66 không phải là một tên lửa thành công, nhưng từ đề xuất của Việt Nam đã tạo tiền đề cho sự phát triển rầm rộ của các tên lửa tấn công mặt đất của Liên Xô.

 

Về số phận của Kh-66, tuy không thành công nhưng nó vẫn được chấp nhận đưa vào trang bị năm 1968. Dẫu vậy, không rõ loại tên lửa này có được đưa sang Việt Nam thử nghiệm trên chiến trường thực tế không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *