(NLĐO) – Một hành tinh được các nhà khoa học cho là thuộc loại “hoang dã” nhất thiên hà chứa Trái Đất – Milky Way, tức Ngân Hà – đã tiết lộ những thứ đặc biệt quý giá trong bầu khí quyển.
Terbium (Tb), một kim loại đất hiếm được coi như báu vật trên Trái Đất, vừa được nhóm nghiên cứu dẫn dầu bởi nhà vật lý thiên văn Nicholas Borsato từ Đại học Lund (Thụy Điển) phát hiện trong biển mây kim loại bốc hơi của ngoại hành tinh cực đoan mang tên KELT-9b.
“Chúng tôi đã phát triển một phương pháp mới giúp thu được thông tin chi tiết hơn trong quang phổ. Bằng cách sử dụng phương pháp này, chúng tôi đã phát hiện ra 7 nguyên tố, bao gồm cả terbium, chưa từng được tìm thấy trước đây trong bầu khí quyển của bất kỳ ngoại hành tinh nào” – Science Alert dẫn lời tiến sĩ Borsato.
KELT-9b quay quanh một ngôi sao màu xanh lam cách chúng ta 670 năm ánh sáng – Ảnh: NASA/JPL-Caltech
Kim loại đất hiếm này trước đây chỉ được biết đến trên Trái Đất, tồn tại trong một số loại khoáng vật, có giá trị lớn trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao.
KELT-9b nằm cách chúng ta khoảng 670 năm ánh sáng và thực sự là một trong những ngoại hành tinh khắc nghiệt nhất từng được biết đến.
Nó thuộc nhóm “Sao Mộc nóng”, dạng hành tinh khí khổng lồ bị nhốt trong một quỹ đạo quá gần với ngôi sao chủ của nó đến mức bị nung nóng đến nhiệt độ thiêu đốt.
Ngoài ra, nó còn quay quanh một ngôi sao mẹ màu xanh lam, dạng sao nóng nhất trong vũ trụ, với quỹ đạo chỉ bằng 1,48 ngày Trái Đất.
Nhiệt lượng nó nhận từ sao mẹ khiến KELT-9b nóng tới 4.327 độ C vào ban ngày, là nhiệt độ nóng nhất từng được quan sát ở một ngoại hành tinh, nóng hơn 80% các ngôi sao đã biết, nên được các nhà khoa học gọi là hành tinh “hoang dã” nhất Ngân Hà.
Khi ánh sáng của ngôi sao đi qua bầu khí quyển của KELT-9b, một số bước sóng ánh sáng được hấp thụ và phát xạ lại bởi các nguyên tử trong khí. Tín hiệu rất yếu, nhưng bằng cách xếp chồng các quỹ đạo, các nhà thiên văn học có thể khuếch đại tín hiệu để nhìn thấy các phần sáng hơn và tối hơn trên quang phổ ánh sáng của ngôi sao khi hành tinh đang di chuyển, từ đó xác định những thứ gì tồn tại và làm thay đổi ánh sáng.
Ngoài terbium, các nhà khoa học còn tìm thấy các kim loại phổ biến như natri, ma-giê, crom… cùng các kim loại đất hiếm khác như scandium và yttrium.
Việc tìm thấy những thứ nói trên rất thú vị. Chúng không chỉ là các kim loại quý giá, mà còn là báu vật về mặt khoa học bởi trước đây người ta nghĩ những kim loại như terbium chỉ có thể được hình thành bởi các sự kiện dữ dội hơn như vụ nổ sao neutron, dạng “thây ma” của các ngôi sao không đồ đã chết.
Hành tinh bí ẩn này và sao mẹ của nó tương đối trẻ, chỉ khoảng 300 triệu năm tuổi và rất có thể hình thành từ tàn tích của một sự kiện “bạo lực” như vụ nổ sao neutron.
Nghiên cứu đã công bố trực tuyến và vừa được chấp thuận để xuất bản chính thức trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.
(Theo báo Người lao động)