Các nhà khoa học phát hiện những sông băng muối có lẽ tồn tại trên hành tinh gần mặt trời nhất là sao Thủy, và vì thế sự sống cũng có khả năng đang sinh sôi bên dưới các sông băng này.
Nhiệt độ trên sao Thủy vào ban ngày có thể lên đến 430 độ C và hạ xuống –180 độ C vào ban đêm.
Với phát hiện mới, các nhà khoa học cho rằng thậm chí trong những điều kiện khắc nghiệt nhất của sao Thủy, sự sống vẫn có khả năng tồn tại.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Planetary Science, đội ngũ các nhà khoa học gia của Viện Khoa học Hành tinh (bang Arizona, Mỹ) phát hiện các sông băng muối trên sao Thủy có lẽ tạo ra những điều kiện phù hợp cho sự sống, tương tự như một số môi trường khắc nghiệt nhất trên trái đất và là nơi sự sống vi sinh vật phát triển mạnh mẽ.
“Các hợp chất muối cụ thể trên trái đất tạo ra những vùng không gian nhỏ hẹp nhưng thích hợp cho sự sống, như điều kiện của sa mạc Atacama khô cằn ở Chile”, theo tác giả báo cáo Alexis Rodriguez của Viện Khoa học Hành tinh.
Dựa trên những gì diễn ra ở trái đất, các chuyên gia cho rằng có thể những khu vực cận bề mặt của sao Thủy có lẽ thích hợp với sự sống hơn so với bề mặt khắc nghiệt của hành tinh.
Những địa điểm như bên dưới bề mặt sông băng muối của sao Thủy cũng cho thấy có lẽ hệ mặt trời nhiều khả năng sở hữu cái gọi là “các vùng Goldilock phụ thuộc vào độ sâu”.
Nếu vùng Goldilock chỉ khu vực có khả năng dung dưỡng sự sống, “vùng Goldilock phụ thuộc vào độ sâu” dùng để chỉ những khu vực trên các hành tinh hoặc những thiên thể khác có thể cho phép sự sống xuất hiện ở những độ sâu cụ thể và mang đến điều kiện sống phù hợp nhất.
“Phát hiện đột phá về các sông băng muối trên sao Thủy đã mở rộng sự hiểu biết của con người về những vùng ngoại vi môi trường có thể cho phép sự sống sinh sôi”, trưởng nhóm Rodriguez cho biết.
(Theo Thanh Niên)